Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27815511
page views since June 01, 2005
MS67 - 02/08: Ngày Tết: Ăn Chè Bà Cốt

Truyện Ngắn

Hưng Yên

Mặc dù đã mua đủ các món ăn ngọt như là: mứt dừa, mứt bí, mứt khoai lang, mứt lạc (đậu phọng), mứt sen… nhưng Tết nào bu tôi cũng nấu thêm một nồi chè Bà Cốt. Cái thứ chè trông như cháo đặc và ngọt ngay này thực tình tôi chẳng ăn hết một chén nhỏ bao giờ. Hoặc có ăn thì phải ăn lúc chè còn nóng, chứ ăn nguội sao tôi có cảm giác nó cứ buồn buồn trên cái o ở trong miệng chịu không được. Tôi thì thế, trái lại thày tôi, chơi một lúc luôn ba chén còn chép miệng bảo: "Bu mày nấu chè ngon hơn bà nội nấu nhiều, thày ăn nữa cũng được!" Tôi nghĩ: "Thày nịnh bu thì có!" Thày tôi giỏi về buôn bán nhưng phải cái tật uống rượu như hũ chìm. Đến bữa ăn Người thường hối cả nhà: "Ăn, ăn nhanh cho xong còn làm việc khác!" Miệng thì nói thế nhưng chính thày tôi lại lề mề, và thường vừa ăn vừa cà kê dê ngỗng kể chuyện cho chúng tôi nghe, thành ra nghe hết câu chuyện thày tôi kể có khi bữa ăn kéo dài đến hơn một tiếng đồng hồ. Một câu chuyện làm tôi nhớ lâu nhất lại là chuyện thày tôi kể về chè Ba Cốt.



Ngày ấy (cùng thời với thày tôi) làng tôi có ông Lý Bôn mới nứt mắt ra đã có vợ. Mới mười tuổi ông đã cưới cô vợ lớn cồ hai mươi tuổi. Nhà khá giả nên bố mẹ ông cưới dâu về đặng có người làm mà! Ba mươi năm sau, ông Lý Bôn bốn mươi thì bà Lý Bôn đã năm mươi tuổi, còn sinh nở gì được nữa? Ông sắp "cúp bình thiếc" rồi mà bà chỉ sinh có ba vị cô nương. Cái điệu này dám phạm vào cái tội "bất hiếu hữu tam, vô hậu vi đại" lắm ạ! Thế là bà quýnh lên, cưới ngay cho ông một cô vợ lẽ: con Mảnh ngoài ba mươi tuổi chưa chồng vì mắc cái chứng "lác lác, tàn tàn". Ấy vậy mà sau khi về làm lẽ ông Lý Bôn rồi nó lại khỏi bệnh, chẳng những đã hết lác lác, tàn tàn lại còn cứ phây phây ra. Hơn một năm sau con Mảnh sinh cho ông Lý Bôn một cậu con trai kháu khỉnh. Bà Lý Bôn cả tuy không đẻ nhưng lại là mẹ lớn. Hôm thằng cu tí đầy tháng, ông bà làm một mâm đãi mấy cụ vị vọng nhất ở trong làng. Ý là trình làng "nhà Lý Bôn đã có con trai nối dõi tông đường" rồi đấy.

Ngồi chiếu nhất ở làng tôi ngày đó có năm cụ: Hai cụ Tiên, Thứ Chỉ, Cụ Bá Tuân, cụ Cửu Khoàt và cụ Tú Mẹo. Hai cụ Tiên, Thứ Chỉ lớn nhất nhì trong làng thì khỏi phải nói rồi. Còn cụ Bá Tuân vì giầu có, nhà ngói cây mít, cụ mua chức Bá Hộ, mổ bò giết heo khao khoán linh đình nên được trọng vọng, ngồi vào cỗ nhất. Cụ Cửu Khoát có nghề làm mũ. Một lần Vua Bảo Đại đi kinh lý Bắc Kỳ, cụ đem tiến Vua một cái mũ; Vua đẹp ý ban cho cụ cái hàm Cửu Phẩm. Cụ về mổ bò giết trâu khao khoán luôn ba ngày ba đêm, thằng bạch đinh cũng được ăn. Thế là nghiễm nhiên cụ cũng được ngồi vào chiếu nhất. Đến cụ Tú Mẹo, mặc dù chỉ là một ông Tú Đụp vì lều chõng mấy lần cũng chỉ đậu có cái Tú Tài nhưng cũng vẫn là người "khoa bảng". Cụ mở trường dạy học cho mấy đứa trẻ lau nhau ở trong làng và mấy làng bên cạnh. Ngoài ra cụ còn làm thêm nghề bắt mạch, bốc thuốc chữa khỏi bệnh cho nhiều người nên cũng rất được trọng vọng ở trong làng.

Ông bà Lý Bôn làm một mâm đãi các cụ để trình về việc nhà họ Lý đã có người nối dõi tông đường. Dĩ nhiên mâm tiệc có đủ cả rượu ngon, thức nhắm tốt, nhưng bà Lý Bôn còn nấu thêm món chè Bà Cốt để sau khi nhậu xong, các cụ ăn cho nó "dã" rượu. Muốn cho chè Bà Cốt có mùi thơm, người ta chỉ cho vào mấy lát gừng với mấy cánh quế hồi thôi, đàng này bà Lý Bôn lại làm nhiêu khê lắm. Năm chén chè của năm cụ là năm chén chè đặc biệt. Bà Lý ra vườn hái bốn loại hoa là: Hoa ngâu, hoa sói, hoa cúc và hoa lài, mỗi loại một nắm đem về để thành bốn đống ở trên bàn rồi lấy bốn cái chén kiểu nhỏ úp lên, để từ sáng tới chiều cho mùi thơm của hoa "ảm" vào chén. Nồi chè Bà Cốt vừa nấu xong còn nóng hổi, bà Lý lấy bốn cái chén đã ướp hoa và một cái chén không ướp gì cả, múc ra năm chén chè. Năm chén chè này là năm chén chè đặc biệt đãi các cụ.

Năm cụ nhậu xong, vừa no vừa xỉn, giọng nói đã có vẻ lè nhè. Không xỉn sao được, năm cụ mà chơi gần hết hai lít rượu tăm bảo sao không xỉn?

Bấy giờ bà Lý mới bưng chè Bà Cốt lên để các cụ ăn cho nó "dã" rượu. Cụ Tiên Chỉ ăn gần hết chén ché mới gật gù khen:

- Bà Lý nấu chè Bà Cốt mà có mùi hoa ngâu thơm thật, bà học ở đâu được cách nấu chè thế này, khéo lám!

Cụ Tiên Chỉ còn đang định nói thêm thì cụ Thứ Chỉ đã ngắt lời:

- Bẩm cụ Chỉ (người ta thường gọi cụ Tiên Chỉ bằng một cái tên tắt là cụ Chỉ) nói sao ấy chứ, chúng tôi ăn thấy rõ ràng là mùi hoa sói mà cụ lại bảo là mùi hoa ngâu, có khi cụ hơi quá chén rồi chăng?

Cụ Tiên Chỉ trợn mắt cự lại:

- Này, này, tôi có quá chén khối ra đấy! Được "quá chén" như thằng này thì các cụ cũng còn phải học khướt!

Cụ Thứ Chỉ xêu một xêu chè bỏ vào miệng nhắp nhắp, rồi lắc đầu ra điều không phục:

- Rõ ràng là mùi hoa sói mà cụ Chỉ lại bảo là hoa ngâu thì thật là lạ…

Bấy giờ cụ Bá Tuân mới ề à lên tiếng:

- Mồm miệng các cụ thế nào ấy chứ? Không phải ngâu, mà cũng chẳng phải sói, dễ thường hai cụ chưa ngửi thấy mùi hoa cúc bao giờ? Mùi hoa cúc mà hai cụ không nhận ra thì chúng tôi cũng chẳng biết thế nào mà nói nữa…

Cụ Bá cao giọng: Bà Lý ơi, bà nói xem nào, có phải mùi này là mùi hoa cúc không nào?...

Cả hai cụ Tiên và Thứ Chỉ cùng nhìn cụ Bá Tuân như nhìn một thứ gì kỳ cục. Có thể hoa ngâu và hoa sói có mùi na ná giống nhau thì hai cụ còn lầm được, chứ mùi hoa cúc thì lầm thế quái nào được, hay là ông Bá Hộ này bị bệnh lỗ mũi? Cụ Tiên Chỉ cười khẩy:

- Có lẽ lại phải nhờ đến cụ Tú xem mạch bốc thuốc hộ cụ Bá Tuân mất thôi, cụ bị bệnh gì, hay là bị thối lỗ mũi đấy?

Thấy cả hai cụ Tiên và Thứ Chỉ đều không đồng ý với mình, lại còn bảo là mình thối lỗ mũi, cụ Bá Tuân tức mình quay qua cụ Cửu Khoát phân bua:

- Đấy, đấy, mồm miệng đã chẳng ra gì, mùi hoa cúc không biết lại còn bảo người ta thối lỗ mũi, có lỗ mũi các cụ mù thì có. Vâng, cụ Cửu là người tinh tế nhất, xin cụ bảo xem mùi này là mùi gì nào?

Cụ Cửu Khoát từ nãy đến giờ vẫn ngồi im, nhưng cụ nóng mũi lắm rồi. Chết thật, mùi này mà cãi nhau là mùi hoa ngâu, hoa sói với hoa cúc thì hoạ có là đồ ngu. Dễ chừng mấy lão này điên cả rồi, mùi hoa lài rành rành ra thế này mà không nhận ra thì thật… Làm như ta đây tay tổ, cụ Cửu Khoát gật gù lên tiếng:

- Vâng, nhưng tôi thấy cả ba cụ đều sai ráo, mùi này là mùi hoa lài… Cụ Cửu chỉ tay vào chậu hoa trồng trước cửa nhà, nói tiếp: Xin các cụ mở to mắt nhìn kỹ dùm chúng tôi xem chậu hoa kia có phải là hoa lài không nào?!

Thấy thái độ trịch thượng của cụ Cửu Khoát, cụ Tiên Chỉ ngứa mắt vạc luôn:

- Mùi hoa lài, thế ra ông bảo chúng tôi ăn "chè bậy bạ" đấy à? Này, này, xỏ lá nó vừa vừa chứ nhé, đừng có tưởng ai cũng ham mò mẫm như mình đâu!

Hai cụ Thứ Chỉ và Bá Tuân cũng tức mình vì cho là cụ Cửu Khoát xỏ lá ,thế là hai cụ cũng quay sang tấn công cụ Cửu Khoát. Cụ Thứ Chỉ đỏ mặt tía tai, dằn mạnh cái bát xuống mâm:

- Cụ có thích thì cụ ăn đi.

Cụ Bá Tuân cũng phụ hoạ:

- Biết thì thưa thốt, không biết dựa cột mà nghe, nói bậy nói bạ như thế trẻ con nó cười cho!...

Một điều lạ là làm sao mà ngày xưa các cụ ta lại có mặc cảm với bông hoa lài, trong khi hoa quỳnh cũng là loại hoa nở về đêm, lại được các cụ ngồi "ăn kẹo sỏi, uống rượu tăm" để chờ xem hoa quỳnh nở: "Khi xem hoa nở, khi chờ trăng lên"… Còn hoa lài, cánh hoa trắng muốt, nhỏ nhắn dễ thương, có mùi thơm nhẹ nhàng thoang thoảng thì các cụ lại cho là "hoa... bậy bạ".

Cụ Cửu Khoát thấy là mình nói

thật, mùi hoa lài thì cụ bảo là mùi hoa lài chứ có xỏ xiên gì ai đâu. Càng nghĩ cụ Cửu càng tím ruột, nhưng một cái mồm không cãi lại ba cái mồm được. Cụ Cửu bèn đặt mạnh chén chè xuống mâm, vớ cái điếu thuốc lào, thông nõ, bỏ thuốc rồi châm lửa rít mạnh một hơi: r…o…ó…c… sau đó ngửa cổ lên trời từ từ nhả khói, thái độ khinh khỉnh như không thèm chấp nhất với cái đàm ngu si không biết... Nhả khói xong cụ Cửu quay sang phía cụ Tú Mẹo nói bâng quơ:

- Thế đấy, đã ngu người ta bảo cho mà biết lại không chịu!

Cụ Tiên Chỉ hết chịu nổi, thế này thì quá lắm rồi, dù có ngồi chung mâm đi nữa thì cụ vẫn là người lớn nhất làng. Lão chỉ nhờ có cái mũ mà được cái hàm Cửu Phẩm, nay lại dám chửi các cụ là đồ ngu thì còn có quan trị, quan nhậm gì nữa? Nghĩ thế, cụ Tiên Chỉ bèn nhẩy xuống đất sừng sộ:

- Này, này, cụ chửi ai là đồ ngu thế? Ông thì vả cho gẫy không còn một cái răng bây giờ!

Thấy cụ Tiên Chỉ sừng sộ, cụ Cửu Khoát cũng vội nhẩy xuống đất đứng thủ thế:

- Ông chửi mấy thằng ngu đấy, đứa nào có giỏi thì vả ông đi xem nào?

Đám nhậu của các cụ để mừng cho ông bà Lý Bôn có con trai bây giờ trở thành đám cãi nhau om xòm. Thằng cu Tí đang ngủ giật mình khóc oe oe. Ông Lý Bôn đang bẹo má cháu ở trong buồng vội bỏ chạy ra ngoài. Không khéo thì có đánh nhau to mất. Bấy giờ cụ Tú Mẹo mới lên tiếng can gián:

- Thôi, thôi, tôi xin các cụ bình tĩnh cho, chè này là chè Bà Cốt chứ có gì khác đâu mà các cụ phải lớn tiếng cãi nhau thế, không sợ làng nước người ta cười cho à?

Nghe cụ Tú Mẹo bảo "làng nước người ta cười cho", cụ Cửu Khoát lại cũng cho là cụ Tú nói kháy mình nên vạc luôn cụ Tú:

- Ông có sợ đứa nào cười khối ra đấy! Đứa nào cười thì nó hở mười cái răng. Cụ là người ăn học, đã từng ngậm bút lông chắc cụ phải biết chè này có mùi gì chứ?

Cụ Tú dù gì cũng mang tiếng là người khoa bảng nên cụ bình tĩnh hơn mấy cụ kia. Mặc dù cụ cũng giận cụ Cửu Khoát lắm, nhưng cụ chỉ ậm ừ:

- Cụ thì bảo mùi hoa ngâu, cụ khác lại cãi là mùi hoa lài, thực ra tôi ăn có thấy mùi gì đâu?!

Cụ Tú không thấy mùi gì thật, có bốn loại hoa ướp bốn chén chè, cụ Tú vớ phải chén thứ năm không ướp gì cả, thế thì bảo chén chè Bà Cốt của cụ có mùi gì được chứ? Nghe cụ Tú Mẹo bảo không có mùi gì cả, cụ Thứ Chỉ nghĩ bụng: "Mấy anh đồ gàn ấm a, ấm ớ, chén chè mùi hoa sói lựng lên như thế mà lại bảo không có mùi gì cả! Rõ là cái đồ ba phải, mười rằm cũng ừ mà mười tư cũng gật!..."

Chúng tôi vừa kể hầu các vị mẩu chuyện về chè Bà Cốt nhân dịp ông Lý Bôn lấy vợ hai sinh được cậu quý tử, bà Lý Bôn cả làm tiệc đãi các cụ vị vọng nhất ở trong làng... Chè Bà Cốt là loại chè thường được nấu vào dịp Tết. Chúng tôi có ý định Tết này nói bà xã nấu nồi chè Ba Cốt rõ to để mời các vị cùng sơi. Sau cùng xin kính chúc các cụ, các ông các bà cùng toàn thể quý quyến một năm mới khang an, thịnh vượng.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Tuesday, January 15 @ 12:54:33 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang