Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27776188
page views since June 01, 2005
MS52 - 10/06: Bò Cách Ly

Lịch Sử Qua Lời Ke

Hạo Nhiên Nguyễn Tấn Ích

Minh Hải Hồ là họ tên quay nôi của cha mẹ Việt gốc Tàu đặt lúc anh mới chào đời tại Chợ Lớn. Suốt hai mươi năm trong quân ngũ, thượng cấp cũng như thuộc cấp đều gọi anh là Đại Uý Hồ. Sau cuộc “đổi đời 1975”, Đại Uý Minh Hải Hồ vào tù. Dù tuổi đời tròn trèm bốn mươi nhưng bạn bè cứ gọi anh là Bác. Hải Hồ chẳng phiền trách mà lấy đó làm vui.

Một hôm, cả đội đang trồng sắn trên đồi, Hải Hồ xin phép cán bộ đi đại tiện. Lúc điểm danh thấy vắng mặt, anh em hỏi: “Bác đâu?” Bỗng, từ trong bụi rậm anh vội vàng chạy ra, vừa cột dây lưng quần vừa la lớn: “có Bác Hồ đây.”

Quản giáo đội gọi anh lại hỏi:

- Anh tên gì?

- Thưa cán bộ, tên Hồ.

- Họ gì?

- Minh.

- Ai đặt tên cho anh thế?

Cha mẹ đặt trong khai sinh.

Anh có biết anh đã xúc phạm đến tên thiêng liêng của Bác không? Từ nay trở đi, tôi cấm anh không được xưng tên đó nữa.

- Thưa cán bộ, vậy gọi tên gì?

- Muốn kêu tên gì tuỳ ý trừ cái tên thiêng liêng đó. Tối nay anh viết kiểm điểm, ngày mai nộp cho tôi.

Minh Hải Hồ trình bày trước đội về lệnh của cán bộ quản giáo buộc anh đặt tên khác. Ai ai cũng bụm miệng cười.

Để giải quyết sự khó khăn của Hồ, bạn bè góp ý tìm cho anh một tên mới. Ác thay, cái họ Minh của anh cũng “phạm huý”. Vì vậy có người đề nghị lấy tên lót Hải thay tên Hồ để gọi nhau, nhưng trong đội đã có Hải trắng và Hải đen.

Ông bà ta thường nhắm người mà đặt tên, nên cả đội đồng ý lấy tên Hải Vồ là hợp hơn cả. Dù sao thì cái tên Vồ vẫn còn giữ được âm ồ mà cha mẹ anh đã chọn. Đồng thời lại hợp với chiếc trán dô ra quá cỡ của anh.

Sáng hôm sau, Hải Vồ nộïp tờ kiểm điểm cho quản giáo. Nhìn vào tờ giấy, cán bộ hỏi:

- Anh tên gì?

- Thưa cán bộ, tên Hải Vồ,

- Trong danh sách độäi không có tên này. Ai bảo anh đổi tên?

- Cán bộ ra lệnh.

- Tôi bảo anh đừng xưng tên của Bác, đâu bảo anh sửa tên trong tờ kiểm điểm.

- …!

- Tại sao anh không thừa nhận có khuyết điểm?

- Thưa cán bộ, tôi đâu có vi phạm nội quy.

- Anh ù lỳ đấy à? Anh xúc phạm đến tên thiêng liêng của Bác mà dám bảo là không sai phạm.

- Thưa cán bộ, cha mẹ đặt tên cho tôi đấy chứ!

- Cha mẹ đặt nhưng anh mang tên đó. Anh rõ chưa?

- Dạ, rõ ạ.

Đúng là lý luận của loài cáo đối với chú cừu con : “mầy không lỗi thì đời cha mầy lỗi, đời cha không lỗi thì đời ông mầy vậy.” Chúng nó lôi lý lịch cả ba đời ra, tha hồ mà bắt tội!

Hải Vồ trong suốt ba năm cải tạo không có một lần thăm nuôi. Tuy vậy, anh rất yêu đời và tin tưởng tuyệt đối vào lời hứa của cách mạng: “Trước sau như một, trại viên nào lao động tốt sẽ được tha.”

Hải Vồ bản chất cục mịch thiệt thà, làm việc cật lực, lúc nào cũng vượt chỉ tiêu của trại đề ra. Hàng tuần, hàng tháng, hàng năm, anh luôn luôn được xếp đầu bảng. Anh em trong đội đều kiêng dè. Những buổi kiểm điểm công tác lao động trong tuần, tên Hải Vồ thường được quản giáo phát huy để nêu gương phấn đấu cho toàn đội. Đặc biệt nhất là cuộc tổng kết bình bầu tròn ba năm.

Trong ngày lễ mồng 2 tháng 9, Hải Vồ được tuyên dương “Tù Cải Tạo Lao Động Tiên Tiến”. Lần này, Hải Vồ lại viết thư, mặc dầu những lá thư trước chẳng có hồi âm. Anh dặn vợ: “Em ở nhà phải thi hành nghiêm chỉnh chính sách của Đảng, nhà nước, chính quyền địa phương. Cần kết hợp giữa gia đình và cải tạo viên, hai bên cùng phát huy lao động tốt thì ngày về của anh không còn bao xa nữa. Đảng đã hứa trước sau như một em à.” Lao động đã tốt mà còn thuộc bài như thế, hỏi ai không tin Hải Vồ được đảng sắp vào hàng ưu tiên!

Chiều ngày 15 tháng 10 năm 1978, lệnh từ Tổng trại ban ra:

“Các đội nhận cơm vắt và chuẩn bị hành trang đi lao động xa.”

Tù nhân bắt đầu xôn xao. Cộng sản nói một đường, làm một nẻo. Vì thế, kẻ đoán đào kênh người nghi dời trại. Theo kinh nghiệm, mỗi lần dời trại là có đợt phóng thích. Chung quy đều là những dự đoán.

Riêng Hải Vồ lần này chắc mẩm sẽ được ra tù. Anh nghĩ như thế và tin như thế bởi đảng nói trước sau như một mà. Ba năm liền có ai lao động hơn anh đâu.

Tháng vừa rồi đại uý Toà trưởng phòng tiếp liệu tiểu khu đã bị cảnh cáo toàn trại “tội lười lao động” với lý do gánh rạ không chịu bó chặt còn được tha huống hồ anh đã từng gánh sắn vượt chỉ tiêu gấp hai lần, từ tám đến chín chục cân. Chính uỷ Sư đoàn trực tiếp tuyên dương anh trước tổng trại. Hải Vồ còn nhớ nằm lòng câu nói của người cán bộ cấp cao: “Lao động như anh Minh Hải Hồ mới thực sự là tự giác và thể hiện sự tiến bộ của cải tạo viên”. Đêm đó, Hải Vồ sướng ran người mặc dù anh cảm thấy chất gì nhột nhạt trong cổ họng, khạc ra có vị mằn mặn và ngực hơi khó thở. Anh nghĩ thầm: “Ồ, chỉ vài sợi máu vấy trong đờm, nhằm nhò gì. Mình sẽ được về với vợ con nay mai, cách mạng hứa là phải giữ lời với tù chứ!”

Hải Vồ thao thức gần trọn đêm. Anh tưởng tượng giờ phút cán bộ gọi tên mình lên văn phòng nhận giấy ra trại, lại có thêm phần tuyên dương: “Một cải tạo viên tiến bộ về tư tưởng, có thành tích lao động vượt chỉ tiêu suốt ba năm”.

Anh nghĩ đến đôi mắt sửng sốt của vợ khi trông thấy chồng lù lù xuất hiện nơi khung cửa và bầy con bảy đứa nhào đến đứa ôm cổ, đứa ôm chân bố! Niềm hân hoan chạy rần rật trong cái thân thể da bọc xương của anh như vừa “phi” một hơi thuốc phiện.

Kẻng báo thức từ lúc màn sương còn phủ dày đặc trên khắp miền thung lũng.

Chim rừng lặng tiếng trước cái lạnh nhức mắt của những ngày cuối Đông. Tù nhân run rẩy tập họp trước sân trại. Những ba lô, xách tay, chiếu mùng, xoong nồi cồng kềnh như đám dân du mục, họ lần lượt lên chiếc xe tải bịt bùng khi tên mình được xướng lên.

Danh sách đầu tiên gồm thành phần An ninh, Tình báo, Chiến tranh Chính trị, và các sĩ quan cấp tá. Điều đáng ngạc nhiên là Minh Hải Hồ có tên trong danh sách này. Không còn nghi ngờ gì nữa, tù bị chuyển đi trại khác. Tù ở Bắc hay tù ở Trung vẫn là những ngày khổ ải tiếp tục kéo dài.

Hải Vồ bắt đầu khóc cùng lúc với đoàn xe lăn bánh. Anh khóc như một người vợ khi nghe tin chồng tử trận. Ôm đầu vật vã tưởng chừng anh sắp lên cơn điên. Niềm tin trong anh vừa bị bức tử từ lúc gọi tên mình lên xe. Cách mạng đã dối trá, lừa gạt cái đầu quá đơn giản của anh. Và chính cái đầu đơn giản đó đã làm cho bao nhiêu đồng đội phải lao đao, khốn khổ vì mức lao động vượt chỉ tiêu của mình.

Chỉ là một đại đội trưởng Địa Phương Quân bảo vệ phi trường, Hải Vồ đã thật thà khai báo cho thêm phần quan trọng “Đại đội trưởng an ninh phi trường”.

Hai chữ an ninh khốn khổ đã đẩy anh thêm mấy năm tù nữa... Kể từ đó, cái tên Hải Vồ được thay bằng tên “Minh Sáng Mắt”.

Đoàn xe mười hai chiếc gầm gừ leo lên dốc tiến vào cổng trại Cải Tạo An Điềm.

Lần lượt từng chiếc một đổ đám “tù hàng binh” giữa khu sân rộng. Trại tù nằm trên đỉnh đồi với hai mươi căn nhà xây vách gạch, mái ngói trông rất bề thế, được bao bọc bởi bức tường cao bằng gạch xi măng kiên cố. Là nhà tù chính thức do đám cai tù chuyên nghiêp Xã Hội Chủ Nghĩa điều hành nên khác xa cảnh trại tập trung tạm thời do bộ đội quản lý.

Đám công an đồng phục màu vàng, tay lăm le cò súng, chĩa thẳng nòng vào đoàn tù xơ xác đang sắp thành bốn hàng ngang chờ cán bộ khám xét đồ dùng trước khi nhập tù. Không khí nặng nề, nghẹt thở.

Ban giám thị trại gọi tên từng người tuần tự vào các nhà số một, số hai, số ba… đủ sáu mươi người là cánh cửa đồ sộ được đóng lại. Tên công an bảo vệ chốt cửa bằng một thanh gỗ lớn từ phía bên ngoài. Nỗi chán chường hiện rõ trên nét mặt tối sầm của từng tù nhân.

Thế là hết, chút hy vọng về nhà tù mới được thoải mái hơn đã tắt theo ánh sáng khung cửa duy nhất của phòng giam vừa đóng kín. Bóng tối lờ mờ từ trên mấy lỗ tò vò thông hơi rọi xuống những khuôn mặt chập chờn như bóng ma. Ánh mắt không hồn nhìn nhau ẩn chứa một điều duy nhất: “Những ngày tháng khắc nghiệt hơn, đau khổ hơn đang chờ đợi người tù…”.

Cái Tết đầu tiên tại trại tù do công an quản lý, ban giám thị cho tù nhân bồi dưỡng ba con bò và một trăm ký nếp gói bánh ú. Khi tin ấy được thông báo, mọi người rất hồ hởi. Anh em mừng thầm : “Tết nầy có chất tươi khấm khá”.

“Ai bảo công an là chúa khắc nghiệt đối với tù? Ai bảo công an là hiện thân của hung thần chốn trần gian?” Đó là ý niệm đầu tiên về lực lượng “Công an Nhân dân” mà người tù miền Nam xem chúng chẳng khác gì lực lượng SS của Đức quốùc xã, mật vụ của Staline. Ai đã đọc truyện Một Ngày Trong Đời Ivan Denissovitch hoặc Tầng Đầu Địa Ngục của tác giả Nga Soljenitsyne thì không ít nhiều đều khiếp sợ.

Dù sao thì không khí lo âu trong những ngày đầu mới đến đây có phần lắng dịu.

Chiều ba mươi Tết, đến giờ lãnh thức ăn, kẻ cầm ca, người cầm gô, khuôn mặt người nào cũng hớn hở. Họ vui mừng sắp có một bữa thịt bò sau bao ngày thèm thuồng đói khát. Ai cũng thầm mong có được một chén thịt đầy, tươm mỡ.

Món thịt bò xào thơm ngào ngạt từ nhà bếp bay đến tận các láng trại. Tù nhân hít hà, nước miếng tuôn ra. Người dự tính chén ngay phần thịt bò trước tiên cho đã cơn ghiền. Một bạïn khác chí lý hơn, khuyên nên ăn một nửa thịt thôi, còn nửa kia để dành khi đi ngủ cho đỡ phần xót bụng. Người bạn nằm bên nhắc khéo: “Này, đằng ấy chớ nên ăn vội vàng nhé, nhớ nhai thật nhỏ, mình mới thưởng thức hết hương vị ngọt ngào, béo ngậy của miếng  thịt bò tươi”. Ôi, niềm hạnh phúc to lớn của tù đang căng đầy trên năm mươi cặp mắt sáng rỡ.

Toán trực bưng thức ăn về đến cửa. Cả phòng gióng mắt đợi chờ. Khi mười hai ô thịt được đặt “an vị” trên sạp nằm, mọi người ồ lên thất vọng. Một phần ba ô thịt chia cho mười người. Kết quả, mỗi tù nhân vỏn vẹn có bốn miếng da dính thịt, hai miếng gân, một cục xương với nửa chén nước luộc da bò! Hy vọng càng nhiều thất vọng càng lớn. Ở đây, nỗi thất vọng càng làm cho ruột gan mọi người “xót như muối rầu như dưa” trước cái thâân phận tù đày của mình! Cơn vui đang căng phồng tột đỉnh, đột ngột xẹp nhanh như chiếc bong bóng xì hơi khi từng người nhận về phần thịt ít oi của mình.

Ngay chiều hôm đó, một “bản tin” được đánh đi từ nhà bếp: “Lòng ưu ái của đảng và nhà nước dành cho 1200 tù cải tạo trong ngày Tết thiêng liêng của dân tộc là ba con Bò Cách Ly!”

Nhà tù cộng sản nào cũng có khu cách ly dành cho tù bị bệnh truyền nhiễm như lao phổi, kiết lỵ, thương hàn… Thành phần nầy toàn là những người suy nhược, mất sức, thân thể gầy còm chỉ còn da bọc xương. Những ngày mùa đông nắng ráo, nhìn những thân thể trần trụi của bệnh nhân phơi nắng trong khu cách ly, ta có cảm tưởng là khu triển lãm lộ thiên những bộ xương người.

Thân hình vặn vẹo, co quắp, bày ra những chiếc xương sườn được bọc lớp da xanh xao, vàng tái đầy ghẻ lở. Chân tay là những khúc xương khẳng khiu nối liền với các khớp sưng vù do bệnh thấp khớp kinh niên. Đôi chân rã rời bước đi như người máy hết pin, run run, chập chững. Đôi tay buông thõng bất lực trước lũ ruồi đang tranh nhau đục khoét những ổ vi trùng trong đám ghẻ lở.

Đêm ba mươi, lệnh từ trên ban xuống:

“Tù nhân không được ngủ, phải hát những bài đồng ca, đón giao thừa tập thể. Ngồi nghiêm chỉnh nghe lời chúc Tết của Chủ tịch nước được truyền qua loa phóng thanh. Đội nào im tiếng hát là có ý đồ chống đối. Tội nghiệp cho thân tù, với bốn miếng da bò dai như da giày, một cái bánh ú gạo nếp bằng nắm tay trẻ con mà phải thức trả nợ suốt cả đêm. Lời chúc Tết năm xưa phát ra từ cái Tết Mậu Thân đầy máu và nước mắt: “…Đánh cho Mỹ cút nguỵ nhào.

Tiến lên chiến sĩ đồng bào, Bắc Nam sum họp Xuân nào vui hơn…” đượïc truyền thanh liên tục mấy cái Tết liền, nhân dân cả nước đã nhét đầy lỗ tai đến độ tràn ra ngoài, không còn chỗ nào nhét nổi, bây giờ vẫn còn tiếp tục phát đi.

Tối mồng hai Tết, lệnh tập họp khẩn trương toàn trại. Công an bảo vệ súng trong tay, nét mặt đằng đằng sát khí tràn ngập cả khu tập thể. Sau khi các khối tù ngồi ổn định trên sân, hai tù nhân được áp giải ra trước sân hội trường trình diện ban giám thị. Hai phạm tù bị xích tay chung một còng số tám do hai công an áp giải. Ánh sáng ngọn đèn điện vàng vọt soi vào khuôn mặt hốc hác của hai bạn tù thoạt trông như hai chiếc đầu lâu đang di động. Chúng đẩy hai tù phạm đến dưới chân cột đèn đối diện với đám người áo vàng đang ngồi trên dãy ghế cao. Từng người một lần lượt tự đọc tờ kiểm điểm về bản tin đã loan truyền “ba con bò cách ly” mà các bạn ấy nói đùa trong lúc vô tình.

Giám thị trưởngï đóng vai quan toà đọc bản lên án hai phạm tù:

“Trần Siêng và Hồ Cẩm đã tung tin thất thiệt, dùng danh từ ‘bò cách ly’ để ám chỉ Đảng và Nhà nước cho tù ăn thịt bò ốm đau, có toan tính làm hạ uy tín cán bộ và lãnh đạo trại, tuyên truyền xuyên tạïc chính sách của Đảng và Nhà nước. Để chận đứng hình thức tuyên truyền phản động, nay quyết định dành hình phạt để giáo dục hai phạm tù Siêng và Cẩm như sau: Cùm sấp hai mươi bốn giờ, nhốt phòng biệt giam một tuần lễ, hạ tiêu chuẩn phần ăn, cấm thăm nuôi một năm.”

Trần Siêng và Hồ Cẩm thuộc đội nhà bếp phụ trách làm thịt bò. Họ đã chứng kiến ba con bò già, bệnh hoạn, phế thải chỉ còn da bọc xương mà ban giám thị dành bồi dưỡng cho tù. Sự hài hước châm biếm cười ra nước mắt của họ là dùng từ “bò cách ly”. Và ba chữ “bò cách ly” trở nên thành ngữ của tù mỗi khi đùa cợt.

Một bạn tù vừa thăm nuôi về than vãn:

“Từ ngày vào hợp tác xã, bầy con tớ thiếu ăn gầy như đàn bò cách ly, trông thấy chúng mà ruột mình như xát muối”.

Một anh bạn khác trong toán cày bừa vừa bắt được ếch ngoài ruộng lén mang vào trại lên tiếng:

“Tớ tóm được hai chú ếch thuộc loại bò cách ly đây, ông nào tình nguyện chạy bếp nấu cháo, hai bên cùng có lợi, chia hai.”

Như thế đó, đám tù cùng khổ thỉnh thoảng cũng có một vài phút giải sầu. Xin cảm ơn hai bạn tù nhà bếp đã làm giàu thêm cho bộ từ điển nhân gian nhóm từ ngữ rất hiện đại: “Bò cách ly”. Các nhà biên soạn từ điển thuộc nhóm Khoa Học Xã Hội ở Hà Nội chớ quên bổ túc thành ngữ mới đầy ý nghĩa nầy vào bộ Đại Từ Điển Tiếng Việt với ghi chú nơi xuất xứ: “từ nhà tù Xã hội Chủ Nghĩa Việt Nam!”

Trích trong tác phẩm “Lưu Dấu Ngày Xưa” tái bản lần thứ nhất của tác giả. Liên lạc qua số ĐT: 408-238-6561, Email: tan_ich@yahoo.com.

Mạch Sống Số 52, tháng 10, 2006

Posted on Thursday, October 26 @ 10:10:52 EDT by tuyethoang
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by tuyethoang


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Lịch Sử Qua Lời Ke


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang