Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27878286
page views since June 01, 2005
MS51 - 09/06: Miễn Dịch Với Bệnh

Tuổi HạcCơ thể con người là mảnh đất phì nhiêu mầu mỡ mà các tác nhân gây bệnh trong môi trường xung quanh luôn luôn muốn xâm nhập. Xâm nhập để có chất dinh dưỡng cũng như xâm nhập để phá hoại, gây bệnh. Nào là vi sinh vật độc hại, hoá chất nguy hiểm, thời tiết ác liệt đầy dẫy trong không gian.

May mắn là tạo hoá tiên liệu được chuyện này, nên đã cho con người một số cơ cấu để phòng ngừa, bảo vệ.

Làn da lành lặn ngăn chặn sự xâm nhập của biết bao nhiêu vi khuẩn, hoá chất, phong sương ám khí.

Chất nhờn, mao thể của khí quản hô hấp loại trừ nhiều vật lạ lẫn lộn trong không khí manh tâm bay vào phổi.

Chất chua trong bao tử tiêu diệt vi sinh vật có hại cho bộ máy tiêu hoá.

Hệ thống lọc máu của hai trái thận loại ra khỏi cơ thể biết bao nhiêu cặn bã hoá chất, mà khi nồng độ quá cao trong máu sẽ đưa tới tổn thương cho nhiều cơ quan.

Những giọt nước mắt mang đi vô vàn hạt bụi, vi sinh vật vô tình hay cố ý ghé vào hai cửa sổ của tâm hồn.

Nước miếng làm miệng bớt khô đồng thời cũng trừ khử vài vi sinh lẩn quẩn trong kẽ răng, góc miệng.

Tinh dịch, dịch âm hộ với nồng độ acid vừa phải cũng có thể hoá giải nhiều vi sinh vật ẩn náu nơi đây.

Và hiện tượng viêm sưng tế bào do binh đoàn thiện chiến thực bào, bạch cầu đơn nhân phụ trách để ngăn sự xâm nhập và lan rộng của vi khuẩn, virus trong cơ thể.

Đó là hàng rào bảo vệ không chuyên biệt có sẵn trong cơ thể chống lại bệnh và loại bỏ các chất không tinh khiết khỏi cơ thể.

Nhưng một hệ thống chống ngừa bệnh chuyên biệt, thần diệu, tuyệt hảo hơn cả có lẽ vẫn là sự Miễn Dịch của cả động vật lẫn thực vật.

Lịch sử
Manh nha hiểu biết về Miễn Dịch bắt đầu với phát minh ra kính hiển vào thế kỷ thứ 16. Trước đó các nhà y học vẫn cho bệnh nhiễm là do sơn lam chướng khí, thần linh ma quái gây ra. Với kính hiển vi tác nhân gây bệnh nhiễm được chứng minh là do các vi sinh vật có hại.

Miễn dịch đã được dùng một cách thô sơ ở Trung Hoa, Ấn Độ, Hy Lạp từ ngàn năm trước khi họ tìm cách ngừa bệnh đậu mùa bằng chất liệu lấy từ người bệnh đưa vào người lành. Sau đó, nhiều y khoa học gia cũng lưu tâm khảo cứu thêm về vấn đề này.

Nhưng phải đợi tới năm 1796, sự việc mới được cụ thể hoá.
Y sĩ người Anh, Edward Jenner, nhận thấy là người vắt sữa ở những con bò có bệnh đậu mùa sẽ bị lây bệnh. Từ đó về sau họ không bao giờ mắc bệnh này.

Ông ta bèn chủng chất nước trong mụn đậu bò cho con người với hy vọng bảo vệ không bị bệnh đậu mùa trong những dịp tiếp cận với mầm bệnh sau này.

Và ông ta đã thành công. Jenner chứng minh là cơ thể họ đã tạo ra các chất có thể chống lại sự xâm nhiễm virus bò trong dịch vụ vắt sữa bò kế tiếp.

Để chinh phục y giới về kết quả việc khảo cứu, ông ta chủng cho chính con trai của mình và đứa bé không bao giờ mắc bệnh. Bác sĩ Jenner đã thành công và đặt nền móng cho việc chế tạo thuốc chủng an toàn chống bệnh nhiễm khuẩn ở các quốc gia Tây Âu.

Từ nước Anh, thuốc ngừa Đậu Mùa nhập cảng vào Hoa Kỳ. Được thông báo sự công hiệu của thuốc chủng, Tổng Thống Thomas Jefferson bèn áp dụng cho thân nhân, gia đình, và cả bà con lối xóm nữa.

Rồi bác học Louis Pasteur và Robert Koch mở đường cho các hiểu biết về miễn dịch do tế bào và thể dịch.

Sau đó nhiều khoa học gia khác tiếp tục nghiên cứu khả năng quý báu này của cơ thể, đặc biệt là Elie Metchinoff và Paul Ehrlich. Hai vị này là những người đã đóng góp nhiều công trình cho Miễn dịch học và điều trị bằng huyết thanh và đã được trao giải thưởng Nobel về Sinh Học.

Ngày nay Miễn Dịch đang có vai trò rất quan trong trong việc điều trị cũng như phòng ngừa bệnh cho loài nguời và các động vật khác.

Miễn Dịch là gì?
Miễn Dịch là khả năng cơ thể chống trả được sự nhiễm bệnh qua trung gian của kháng thể và bạch huyết cầu trong máu.

Có hai hình thức Miễn dịch chính:
1 - Miễn dịch bẩm sinh, tồn tại ở người hoặc động vật từ lúc mới sinh ra, giống như là được thừa hưởng các gene di truyền.

Chẳng hạn loài người không bao giờ mắc một vài bệnh mà thú vật mắc phải; rất nhiều người dễ bị một số bệnh (như dị ứng) mà người khác không bao giờ có; dân Á châu thường bị bệnh sởi nhiều hơn dân Âu Mỹ...

2 - Miễn dịch tiếp nhận (acquired) - thành hình sau khi sanh và liên tục trong suốt cuộc đời mỗi khi con người tiếp cận với tác nhân gây bệnh.
Miễn Dịch Tiếp Nhận có thể:

a - Tự Nhiên với:
Tự Nhiên Chủ Động - tạo ra khi tiếp xúc với tác nhân gây nhiễm. Tác nhân xâm nhập cơ thể; cơ thể tạo ra kháng thể để chống lại. Mỗi lần tiếp xúc là mô bào lại tạo ra chất chống lại.

Sự miễn dịch tồn tại nhiều năm, đôi khi suốt đời với các tác nhân gây bệnh chuyên biệt.

Tự Nhiên Thụ Động - lãnh hội từ máu, sữa của mẹ hiền.
Vì là món quà thừa hưởng của mẹ, nên miễn dịch này kéo dài khoảng nửa năm mà thôi. Sau đó thì bé dần dần tự tạo ra sức miễn dịch cho mình.

Nếu mẹ tiếp tục cho con bú sữa mẹ, thì con vẫn tiếp nhận được kháng thể các loại từ mẹ. Đây là một trong nhiều lợi điểm khi mẹ cho con bú nguồn sữa ấm áp của mình, nhất là những giọt sữa non chan hoà huyết thanh, bạch cầu và kháng thể.

b - Nhân Tạo Với:
Nhân Tạo Chủ Động
- khi con người chưa tiếp cận với một tác nhân gây bệnh thì đương sự không có kháng thể với tác nhân đó. Khi tác nhân tấn công thì con người đành bó tay chịu bệnh.

Các nhà khoa học đã nghĩ ra phương cách để con người có thể tạo ra kháng thể với mầm gây bệnh bằng cách đưa một chút mầm vào cơ thể. Tất nhiên là mầm đã được chế biến trong phòng thí nghiệm, làm giảm độc tính để không gây bệnh mà vẫn tạo ra kháng thể. Đó là dung dịch vaccine.

Đây là nguyên lý của sự chủng ngừa hoặc tiêm phòng vắc xin. Đáp ứng với vắc xin, kháng thể được tạo ra dần dần sau mấy tuần lễ nhưng tác dụng bảo vệ kéo dài tới vài năm hoặc vĩnh viễn và nhắm vào tác nhân chuyên biệt với thuốc chủng ngừa.

Chủng ngừa thường được dùng khi có đe doạ một dịch bệnh sắp xảy ra hoặc để loại trừ bệnh đó.

Nhân Tạo Thụ động - như đã trình bày ở trên, sau khi chủng ngừa phải cần mấy tuần thì kháng thể mới được sản xuất. Trong khi đó, nếu cơ thể bị một loại vi khuẩn độc hại xâm nhập thì phải đối phó cách nào.

Chúng ta cứ yên tâm. Y khoa học đã có giải đáp. Đó là sự miễn dịch nhân tạo nhưng thụ động.

Nhân tạo vì khi đó y giới sẽ can thiệp cứu bệnh nhân.
Thụ động vì lương y sẽ chích cho bệnh nhân kháng thể đã được điều chế sẵn, để dành khi cần. Kháng thể chuyên biệt này được tức tốc truyền cho bệnh nhân trong khi chờ đợi đương sự tự tạo ra tính miễn dịch.

Cái đặc biệt của hệ Miễn Dịch là một loạt những lưỡng cực. Quan trọng nhất là tính cách nhận diện mình và người; chung và riêng; bẩm sinh và tiếp nhận; qua tế bào hoặc thể dịch; chủ động với thụ động; nguyên phát và thứ phát.

Nghĩa là Miễn dịch vừa phân biệt “cái gì của mình” và cái gì “không phải của mình”, nhận ra bạn để hỗ trợ, phát hiện ra địch để tiêu diệt; ghi nhớ và tấn công địch khi tái xâm nhập; vừa có ảnh hưởng tổng quát khắp cơ thể, vừa cục bộ nơi bị nhiễm độc. Do tự nhiên mà có hoặc nhờ tiếp nhận mà thành; bảo vệ dưới hình thức tế bào và dịch thể; tự lực cánh sinh tạo ra hoặc được tặng dữ.

Miễn dịch không nhận diện và đối phó các kim loại có hại trong cơ thể như thuỷ ngân, chì.

Miễn dịch nhớ được cả triệu vi khuẩn khác nhau. Mỗi lần có một vi khuẩn mới xâm nhập là cơ chế tế bào lại tạo ra kháng thể riêng cho vi khuẩn đó. Thành ra với thời gian, cơ thể có cả một binh đoàn kháng thể chống lại những kháng nguyên muốn nhăm nhe tái xâm nhập.

Nói như vậy thì người cao tuổi sẽ có hệ thống miễn dịch hữu hiệu hơn người trẻ hay sao. Vì suốt cuộc đời, họ đã bị vô số những tác nhân gây bệnh xâm nhập và đã có vô số kháng thể được tạo ra. Sự thực là hệ miễn dịch ở lớp tuổi này lại yếu đi theo với thời gian vì nhiều lý do khác nhau.

 Miễn Dịch có rất nhiều cái hay mà cũng có một vài cái dở. Nhân còn vô thập toàn huống chi một phương tiện. Đó là đôi khi chẳng hiểu tại sao “quân mình lại bắn quân ta” và đưa tới một số bệnh Tự Miễn.

Trong trường hợp này, tế bào B nhầm lẫn trong việc nhận diện kháng nguyên, trông gà hoá quốc, bạn thành thù, rồi tạo ra kháng thể chống lại chính tế bào mình (tự kháng thể). Kết quả là gây ra các rối loạn tự miễn như các bệnh sốt thấp khớp, viêm khớp dạng thấp, viêm thận tiểu cầu, thiếu máu tan huyết, thiếu máu ác tính, rối loạn chức năng giáp trạng.

Lý do tại sao lại có sự mất khả năng phân biệt những gì của mình và những gì không phải của mình chưa được biết rõ.

Hệ Miễn Dịch
Miễn dịch là một hệ thống có cấu trúc và chức năng khá phức tạp với sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau.

1 - Tế bào
Các tế bào liên hệ trực tiếp tới Miễn Dịch Tiếp Nhận có tên là lymphô bào. Đây là một loại bạch cầu thấy trong các hạch bạch dịch, thành ruột, lá lách, tuyến ức và tuỷ xương.

Có hai loại lymphô bào chính: Tế bào B và tế bào T, đều được sản xuất từ tuỷ xương như các tế bào máu khác. Chúng phải trưởng thành mới có khả năng miễn dịch. Tế bào B lớn lên tại tuỷ xương, còn tế bào T theo máu vào tuyến ức để tăng trưởng.

a - Tế bào T
Tế bào này có trách nhiệm bảo vệ cơ thể với các tế bào ung thư, một số virus và các tác nhân gây bệnh sống ký sinh trong tế bào cũng như sự bất dung tế bào ghép từ người này sang người khác. Có nhiều loại tế bào T: tế bào sát thủ trực tiếp tiêu diệt tế bào đã bị tác nhân lạ xâm nhập, ngăn cản lan truyền bệnh; tế bào phụ trợ khích lệ tế bào B sản xuất kháng thể, giúp tế bào sát thủ tăng trưởng.

b - Tế bào B
Tế bào này sản xuất kháng thể để chống lại sự xâm nhập của vi khuẩn, virus. Mỗi loại kháng thể chỉ có tác dụng với một tác nhân. Từ khi vi sinh vật mới lạ xâm nhập cho tới khi có kháng thể, phải cần ít nhất từ 10 đến 14 ngày.

2 - Kháng thể
Kháng thể là một loại protein máu với nhiều đơn vị acid amine do tế bào B sản xuất để đáp ứng lại với sự có mặt của một kháng nguyên đặc biệt.

Mỗi loại kháng thể có tính cách độc nhất và bảo vệ cơ thể với một loại tác nhân gây bệnh mà thôi. Globulin miễn dịch (Ig=immuno globulins) cũng là kháng thể với nhiều loại khác nhau như IgA, IgD, IgE, IgM.

 Kháng nguyên có thể là vi khuẩn, virus, bào tử thực vật, độc tố vi sinh vật hoặc những thứ xa lạ có thể gây hại cho cơ thể.

Xin đan cử một thí dụ:
Siêu vi viêm gan A vào cơ thể qua thực phẩm nhiễm vi sinh này. Vi sinh gây ra sự kích thích hệ miễn nhiễm mà B cell là nhân vật chính. B cell đáp ứng đặc biệt với siêu vi A, sản xuất kháng thể chuyên biệt với kháng nhân đó.

Kháng thể sẽ bám vào kẻ gian A để tê liệt hoá chúng, tạo điều kiện cho đại thực bào “sơi tái” chúng. Hoặc kháng thể cũng bao kín kháng nguyên A không cho chúng quan hệ mật thiết với tế bào cơ thể. Nhờ đó các “khách lạ không mời mà đến” do “bệnh tùng nhập khẩu” gây bệnh không hoành hành tự tung tự đại trong thân thể ta.

Kháng thể lưu hành trong huyết tương sẵn sàng thi hành nhiệm vụ.
Thử nghiệm máu có thể đo mức độ nhiều ít của kháng thể để coi sự miễn nhiễm với một bệnh mạnh yếu ra sao; có cần chích ngừa tăng cường hay không; có một bệnh nhiễm tự nhiên nào đó rong quá khứ hoặc cần chủng ngừa bệnh nào.

Như vậy thì sau khi chủng ngừa hoặc sau khi mắc bệnh nhiễm nào đó, thì cơ thể đã có rất nhiều thực bào, kháng thể có khả năng đối phó với tác nhân bệnh nhiễm đó trong tương lai. Cơ chế miễn dịch của ta ngày một mạnh mẽ, đa năng. Chẳng khác chi binh hùng tướng mạnh của tiền nhân Lý Thường Kiệt khi xưa kia, chiến trận bách chiến bách thắng với quân Nguyên, nhờ tập luyện thường xuyên, trở nên tinh nhuệ.

Đôi điều về chủng ngừa
Chủng ngừa là tạo ra sự miễn dịch chủ động với một bệnh gây ra do vi sinh vật có hại bằng thuốc chủng vắc xin.

Nhắc lại là để có thể gây ra bệnh truyền nhiễm, vi sinh vật cần giữ được tăng gia sinh sản và gây tổn thương cho các cơ quan, bộ phận của cơ thể.

Trong thuốc chủng, mầm gây bệnh được chế biến để không có khả năng sinh sản hoặc sinh sản rất ít, không đủ mạnh để gây ra bệnh nhưng có khả năng tạo ra kháng thể chống lại với mầm bệnh về sau này.

Có loại thuốc chủng trong đó:
a - Gene của mầm độc đã được thay đổi khiến sự sinh sản tuy còn nhưng rất yếu (bệnh sởi, quai bị, trái dạ, tê liệt loại uống).

b - Gene bị tiêu diệt hoàn toàn không còn sinh sản (thuốc chủng tê liệt loại chích).

c - Thuốc chủng chỉ dùng một phần của mầm độc, không có gene nên vô sinh (chủng ngừa viêm gan B, ho gà).

đ - Thuốc chủng mà độc tố của mầm độc đã bị vô hiệu hoá (bệnh yết hầu, phong đòn gánh).

Có người lý luận là cứ để tự nhiên có tính miễn dịch sau khi mắc bệnh hơn là chủng ngừa, vì chủng ngừa đôi khi làm suy yếu tính miễn dịch tự nhiên của trẻ em.

Thực tế cho hay không có thuốc ngừa nào hoàn hảo 100%. Hơn nữa, khi kiểm điểm kết quả sự chủng ngừa với các bệnh trên thế giới ta thấy sự ích lợi quá to lớn so sánh với một số tác dụng phụ nhẹ nhàng, không nguy hiểm. Thuốc chủng ngừa bệnh đã là một trong mười kỳ công trong phạm vi y tế công cộng của thế kỷ 20.

Giáo Sư Nhi Khoa Samuel Katz của Trung Tâm Y Khoa Duke University Hoa Mỹ, người có nhiều kinh nghiệm về chủng ngừa, đã quả quyết: “Sự tạo ra tính miễn dịch là phương tiện hữu hiệu nhất để làm giảm số bệnh tật và số tử vong ở trẻ em”.

Để thấy sự công hiệu của thuốc chủng, xin coi qua vài thống kê sau đây về một số bệnh:

a - Bệnh tê liệt: Trước khi có thuốc chủng bệnh này vào thập niên 50, có cả ngàn trẻ em bị bệnh, làm tê liệt hạ chi phải mang nạng, ngồi xe lăn; nhiều bệnh nhân bị liệt hô hấp phải nằm trong lồng phổi sắt để thở.

Từ năm 1997, không còn trường hợp tê liệt nào được báo cáo ở nước Mỹ và các nước ở Tây bán cầu. Năm 1994, một dịch tê liệt từ Ấn Độ xâm nhập Gia Nã Đại nhưng nhờ chích ngừa ráo riết nên đã chặn đứng được dịch này.

b - Bệnh sởi: Còn nhớ khi xưa ở bên nhà hầu hết trẻ con bị ban sởi với số tử vong cao vì các biến chứng như sưng phổi, viêm não, tổn thương não bộ. Đó là do không có chích ngừa đầy đủ. Cho nên các cụ ta khi đó thường nói là đừng tính có bao nhiêu con cho tới khi chúng sống sót sau bệnh ban sởi.

Ngày nay con cháu ta bên Mỹ này năm thì mười hoạ mới có em mắc bệnh sởi, nhờ chương trình chủng ngừa sởi ở đây rất chu đáo, hầu như bắt buộc ngay từ khi các em vào học lớp mẫu giáo. Trong nước thì việc chủng ngừa bệnh này cũng được khuyến khích mạnh mẽ.

Năm 1941, chưa có chủng ngừa, có gần 900.000 trường hợp bệnh sởi. Thuốc chủng được bào chế năm 1962 và năm 1997, chỉ còn trên 100 trường hợp.

c - Bệnh đậu mùa: một thời đã làm thiệt mạng nhiều người trên thế giới, nay coi như đã bị xoá sổ; bệnh ho gà, bệnh yết hầu, bệnh phong chẩn đã giảm rất nhiều nhờ chủng ngừa.

Nếu ngưng chương trình chủng các bệnh có thể ngừa được thì chắc ta sẽ thấy bột phát trở lại những dịch chết người kinh khủng như vào đầu thế kỷ vừa qua.

Kết luận
Tạo hoá thật tài ba, nhiệm màu khi sáng tạo ra con người với đủ các chức năng, bộ phận tinh vi, hữu hiệu. Đời sống con người nhờ đó được bảo toàn cho suốt hành trình từ khi sinh ra cho tới ngày về cõi bên kia. Cơ chế Miễn Dịch là một trong những chức năng quý báu đó.

Vậy mà nhiều khi con người cũng vô tình hay hữu ý làm cho chức năng này giảm tác dụng bằng chuyện chẳng đâu vào đâu. Chẳng hạn những căng thẳng hàng ngày của nếp sống.

Khi để cho các “vẩn vơ lỉnh kỉnh ” này dầy vò tâm-thân thì một số chất liệu được tiết ra hơi nhiều. Các “hơi nhiều” này làm suy yếu sức mạnh của kháng thể và đại thực bào. Con người trở thành môi trường ngon cho siêu vi, vi khuẩn. Bệnh hoạn xảy ra.

Thực là điều đáng tiếc vậy.

Mạch Sống Số 51, tháng 9, 2006

Posted on Friday, September 29 @ 09:17:27 EDT by tuyethoang
 
Related Links
· More about Tuổi Hạc
· News by tuyethoang


Most read story about Tuổi Hạc:
Ba Ly Cà Phê Thôi Nhỉ

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Sức KhoẻTuổi Hạc


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang