Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27815209
page views since June 01, 2005
MS45 - 03/06: Câu Chuyện Thầy Lang Bệnh Thiếu Máu

Sức Khoẻ

BS Nguyễn Ý Đức

Bà con ta đều không ngại đi khám bệnh, duyệt lại tình trạng sức khoẻ, nhưng tới màn thử máu thì một số lớn lại rụt rè, “em chã”, chẳng là tại cứ sợ đau, sợ mất nhiều máu, sợ ngất sỉu. Có bà thì dẫy nẩy “xin đừng lấy máu tôi” khi bác sĩ nói cần hút vài phân khối chất hồng đỏ này. Có cụ thì “ông mà lấy máu là tôi đổi bác sĩ, không đến ông nữa đâu”.

Nhưng thưa quý thân hữu, thử nghiệm máu là điều cần làm và là một phần trong cuộc đi viếng thăm ông bà lang y. Cần thiết vì chúng là những lợi khí giúp bác sĩ tìm ra nguyên nhân nhiều bệnh và để xác định bệnh. Ðến khi điều trị thì thử nghiệm giúp bác sĩ theo dõi tình trạng bệnh thuyên giảm hay gia tăng, để thuốc men được điều chỉnh thêm bớt, đổi thay. Có người đã ví những thử nghiệm máu giống như chiếc kim la bàn, giúp bác sĩ chăm sóc bệnh nhân một cách chính xác hơn.

Vậy Thì Máu Là Gỉ?
Máu là một thành phần của hệ tuần hoàn chứa nhiều loại tế bào, sinh hoá chất trong một dung dịch chất lỏng gọi là huyết tương.
Một người trưởng thành có khoảng từ 3.8- 4.9 lít máu tức là 7% trọng lượng cơ thể. Máu lưu thông tới tất cả các bộ phận để cung cấp dưỡng khí và chất dinh dưỡng cho trên 300 tỷ tế bào. Máu cũng lấy đi các chất cặn bã, giúp điều hoà nhiệt độ cơ thể, làm vết thương mau lành cũng như chống lại một số bệnh tật.

Có ba loại tế bào máu: hồng huyết cầu, bạch huyết cầu và tiểu bản.

Hồng huyết cầu chuyên chở dưỡng khí từ phổi nuôi tế bào và lấy khí carbon loại ra ngoài qua phổi.

Bạch huyết cầu gồm năm loại khác nhau nhưng đều có chung nhiệm vụ là chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật gây bệnh và giúp vết thương mau lành.

Tiểu bản điều hoà sự đông đặc của máu với tiếp sức của thành mạch máu và các yếu tố đông máu.

Huyết tương có các chất dinh dưỡng như chất đạm, chất béo, carbohydrates, sinh tố, khoáng chất, kích tố, yếu tố đông máu, diêu tố, kháng nguyên và kháng thể. Khi có bệnh nhiễm thì máu chứa thêm vi trùng, siêu vi.

Vì máu chứa các thành phẩn kể trên nên thử nghiệm máu có thể ước lượng được sự lành hay bệnh của nhiều cơ quan bộ phận trong cơ thể.

Cách lấy máu. Ở đâu, bao nhiêu, rủi ro.
Máu được hút ra từ động mạch hoặc tĩnh mạch, thường thường là ở gần khuỷu tay hoặc trên mu bàn tay.

Ðiểm lấy máu được lau sạch bằng chất sát trùng như alcohol. Một băng cao su co dãn được cột phía trên chỗ lấy máu dể máu ứ lại. Kim nhỏ được chích vào mạch máu, máu được hút vào một ống kín. Sau khi rút kim, một băng keo được dán lên trên vết kim châm để ngăn máu chẩy và tránh vi khuẩn xâm nhập.

Nhiều người ngại đau khi kim chích vào, nhưng thực ra chỉ nhói một chút, như gai bông hoa hồng đâm vào da hoặc như kiến đốt. Còn rủi ro sau khi lấy máu thì cũng không có gì là trầm trọng đến nỗi mình phải quá lo sợ. Chẳng hạn hãn hữu lắm mới bị ổ tụ huyết dưới da nơi kim chích, nhiễm trùng hoặc máu chẩy lâu. Nhiều vị vì sợ đau, nên co người lại, mạch máu chìm xuống, nên cô chuyên viên cứ phải chọc tới chọc lui, kiếm nơi có mạch máu phồng. Có người nom thấy máu đỏ chẩy ra thì sanh sao mày mặt, sỉu đi. 

Thường thường số lượng máu lấy không nhiều, khoảng 20 cc. Với phụ nữ còn kinh thì ít hơn là mỗi kỳ thấy tháng. Còn nam giới thì giống như xuất huyết khi táo bón rặn rách hậu môn vài lần mà thôi.

Ta cần nhịn ăn trước khi lấy máu vì sau khi ăn, kết quả thay đổi. Chẳng hạn sau khi làm một tô bún bò Huế thì đường huyết lên cao là điều trông thấy và sẽ không phản ảnh tình trạng tự nhiên.

Những Loại Thử Máu Thông Thường
Tùy theo triệu chứng và kết quả khám tổng quát người bệnh mà bác sĩ cho làm một vài thử nghiệm nào đó.

Ta cứ tưởng cứ thử máu là biết hết bệnh trong người. Ðiều đó không đúng lắm, vì mỗi bệnh tạo ra sự thay đổi khác nhau trong các thành phần sinh hóa của máu. Chẳng hạn bị bệnh tiểu đường thì đường huyết lên cao; ăn nhiều chất béo thì cholesterol đậm đặc trong máu; thiếu dinh dưỡng, thiếu chất sắt thì hồng huyết cầu vừa giảm số lượng vừa thay đổi hình dạng...

Tuy nhiên, để có một ý niệm tổng quát về bệnh trạng, bác sĩ thường cho thực hiện một số thử nghiệm chung cho mỗi lần lấy máu. Chẳng hạn như tập hợp các thử nghiệm để biết thành phần hoá học của máu, chức năng gan thận, các tế bào máu... Gộp lại như vậy cũng tiện việc cho phòng thí nghiệm, khỏi lấy máu nhiều lần cũng như không phí phạm máu người bệnh.

Nhiều thân hữu sau khi làm thí nghiệm được bác sĩ trao cho một tờ giấy dài kết quả. Nhìn danh sách  với các con số rắc rối, ta cũng bỡ ngỡ xa lạ, chẳng biết mô tê ất giáp gì.

Nên chúng tôi xin ghi lại sau đây một số thử nghiệm máu, để bà con tiện tham khảo khi cần. Các con số kết quả là của người đàn ông trưởng thành. Kết quả ở nam nữ, trẻ già hơi xê xích nhau một chút.

1) Đếm tế bào máu.
Tiếng Anh gọi là Complete Blood Count (C.B.C). Kết quả thử nghiệm này cho ta biết thiếu hoặc thừa tế bào máu, ung thư máu, máu loãng hoặc đặc  ..Ðây là thử nghiệm mà hầu như mỗi lần khám bệnh là ta đều được làm.

C.B.C nhắm vào các tế bào sau đây:
a-Hồng Huyết cầu (R.B.C)-
Hồng cầu được sản xuất từ mô tạo máu của tủy sống.  Vì không có nhân nên H.H.C  không phân bào được. Mỗi H.C. cần 6 ngày để thành hình và có tuổi thọ khoảng 120 ngày. Ở người trưởng thành, mỗi giây đồng hồ có 3 triệu hồng cầu được sinh ra để thay thế HC già nua mệnh một.

H.C. chứa huyết cầu tố mà chức năng chính là chuyên chở dưỡng khí nuôi tế bào và loại khí độc CO2 ra ngoài.

Bình thường người trưởng thành có khoảng từ 4 đến 5 triệu  H.C./ 1 mm ³ máu. Phụ nữ hơi thấp hơn nam giới một chút nhưng chẳng sao, quý tỷ muội nhỉ. Cho người ta hơn cái này thì mình lấy cái khác nhiều hơn và da vưỡn  trắng vưỡn hồng là được rồi. Quàng thêm chuỗi ngọc trai trên cổ thì hồng cầu xuống tí ti cũng gật đầu.

b-Bạch Huyết Cầu (W.B.C.)- B.H.C. có ba loại chính là bạch cầu hạt, đơn bào và lymphô nhân.

Nhiệm vụ của B.H.C là chiến đấu chống lại sự xâm nhập của vi sinh vật, bảo vệ cơ thể bằng cách “sơi tái” các phần tử nguy hại lạ; sản xuất và chuyên trở kháng thể.

Khi ta bị đứt da tay,  nhiễm trùng thì B.H.C. được động viên kéo tới vết thương đề tòng quân diệt giặc. Xác chết quân ta và địch lẫn với bạch cầu sống sót tạo thành chất mủ.

Số lượng bình thường B.H.C. là 4000-5000/mm³. B.H.C có đời sống ngắn ngủi hơn trong mạch máu, khoảng từ 6-8giờ, nhưng một số lớn vào trú ngụ tại các tế bào thì tồn tại có khi cả năm.

c-Tiểu bản (Platelets)- Gọi là tiểu bản vì tế bào này có hình dạng tròn dẹp khác nhau. Ðây là những tế bào nhỏ nhất của máu, không có nhân hoặc DNA, được  tạo ra từ tủy sống. Mỗi mm³ máu có từ 150,000-450,000 tiểu cầu. Tuổi thọ trung bình là 10 ngày.

Nhiệm vụ chính của tiểu bản là tạo sự đông máu. Khi công chúa gọt quả soài tượng, chẳng may đứt da tay chẩy máu thì tiểu bản chạy tới, kết tụ với nhau thành một cái nút lấp kín mạch máu hở. Ngón tay công chúa hết chẩy máu, nàng tiếp tục thưởng thức soài tượng chấm với muối ớt.

d- Huyết cầu tố (Hemoglobin)-  Máu cần một số lượng đầy đủ H.C.T. để chuyên trở dưõng khí.

Người trưởng thành có khoảng từ 14-17 g/ 100mL máu. H.C.T. Thấp dưới mức này là dấu hiệu của thiếu máu (anemia).

Ngoài ra còn các chỉ số khác như Thể Tích Huyết Cầu Ðặc (Hematocrit ), MCH (mean Corpuscular Hemoglobin), MCV (Mean Corpuscular Volume) và  MCHC (Mean Corpuscular Hemoglobin Concentration) với tỷ lệ hơi phức tạp, nên xin miễn trình bầy.

2-Chất điện phân (Electrolytes) là những nguyên tử dẫn điện trong huyết tương như Sodium; Potassium; Chloride; CO2; Calcium; Phosphore.

Khi nồng độ các chất này lên quá cao như trong bệnh thận suy hoặc quá thấp như khi ói mửa, tiêu chẩy thì cơ thể đều bị ảnh hưởng. Và ta phải lấy bớt ra hoặc tăng cường thêm.

Muối Sodium: trung bình là 140mmol/lít.
Potassium hoặc Kali: 4.5 mmol/lít
Choride: 103 mml/lít

Ba chất điện phân này cần cho sự cân bằng acid/base và duy trì áp xuất thẩm thấu dung dịch chất lỏng trong cơ thể; dẫn truyền tín hiệu thần kinh. 

Calcium: 9.5 mg/dL. Calcium cần cho sự tạo xương, hấp thụ chất đạm, chất béo; co cơ bắp, đông máu, dẫn kích thích thần kinh và tim.

Phosphore: 3.5 mg/dL.

3-Chức năng gan.
Khi gan bị viêm hoặc tổn thương, một số men gan sẽ thay đổi. Có mấy loại men gan chính sau đây cần tìm kiếm:

a-sGOT (AST) và  sGPT (ALT) tăng khi tế bào gan, tim, thận, tụy tạng, cơ bắp  bị tổn thương.
Bình thường AST thay đổi từ 0- 42 IU/Lít; ALT từ 0- 48 IU/lít.

b-Alkaline phospatase  lên cao khi hệ thống mật bị tổn thương. Chỉ số bình thường từ 44 – 147 IU/lít.

c-Billirubin là sắc tố mật tạo ra do sự phân hủy của  huyết cầu tố. Bình thường: 0.2- 1.5 mg/ 100ml. Billirubin tăng khi gan bị hư hao.

4-Chất protein.
a- Protein toàn phần là chất có nhiều nhất trong máu với mức độ thay đổi từ 5.5 tới 9.0 g/100ml.

Protein giảm khi suy dinh dưỡng, bệnh gan, kém hấp thụ thực phẩm; tăng khi có nhiễm trùng kinh niên, suy gan, ghiền rượu, ung thư bạch cầu, lao phổi...

b-Albumin là thành phần lớn của protein trong máu và do gan tổng hợp. Albumin giảm khi suy dinh dưỡng, bệnh gan, tiêu chẩy, nóng sốt, nhiễm trùng, phỏng nặng, thiếu chất sắt. Albumin cao khi cơ thể thiếu nước.

Mức độ bình thường từ 3.5 tới 5.0 5/100ml.

c-Globulin là nhóm chất đạm đơn giản trong máu. Một số globulin có nhiệm vụ quan trọng như kháng thể, một số khác chuyên chở các chất béo, sắt hoặc đồng

Globulin tăng khi gan bị đau, nhiễm trùng kinh niên, thấp khớp; thấp khi suy dinh dưỡng, suy miễn dịch, bệnh thận.

Chỉ số bình thường từ 2.0 tới 3.5 gr/100ml.

5) Chất béo
Đây là những chất mà bà con ta lưu tâm nhiều nhất, quen thuộc nhất và cũng mang lại nhiều e ngại, thắc mắc. Và y giới cũng dành nhiều công sức để nghiên cứu các chất béo này vì khi quá cao trong máu, chúng có thể gây ra nhiều rủi ro bệnh hoạn.

Thử nghiệm máu nhắm vào mấy loại chất béo chính Cholesterol, Triglyceride, LDL, HDL.

a-Cholesterol. Cholesterol có nhiều vai trò quan trọng trong cơ thể. Nó là thành phần cấu tạo màng bao che các tế bào, mô thần kinh não bộ; cần thiết cho sự tổng hợp kích  tố steroids, mật; sinh tố D.

Hầu hết cholesterol được gan tạo ra nên nhiều khi ta không phải ăn thêm thực phẩm có chất này.

Cholesterol có nhiều trong chất béo động vậy và hầu như không có trong thực vật.

Trong máu, cholesterol được chất đạm protein chuyên chở, nên có tên gọi là lipoprotein.

Mức độ Cholestretrol Toàn Phần lý tưởng là dưới 200 mg/ 100ml;
từ 200 -240 mg/ 100ml thì tạm chấp nhận được nhưng cần giảm tiêu thụ chất béo, vận động cơ thể; trên 240 mg/ml thì đến lương y ngay để khám nghiệm thêm rồi điều trị, dinh dưỡng đúng cách ngõ hầu mang con số trở lại bình thường.

b- LDL- LDL viết tắt của chữ Low Density Lipoprotein, một thứ cholesterol do protein cõng với  tỷ trọng rất thấp. Thấp nhưng lại hay gây bệnh hoạn cho cơ thể nhất là bệnh tim mạch khi mức độ trong máu lên cao.

Dưới 100 mg/100ml máu là tốt, trên số này là hổng có được, phải giảm tiêu thụ mỡ, uống thuốc.

c-HDL viết tắt của High Density Lipoprotein là cholesterol tỷ trọng cao, được coi như lành tính có ích cho cơ thể.

Dưới 35 mg/100 ml là không tốt mà càng cao là càng tốt.

d- Triglycerides dưới 200 mg/100 ml là bình thường mà trên số này là có rủi ro gây bệnh tim.

6-Đường huyết.
Glucose là đường lưu hành trong máu do tự tiêu hóa thực phẩm carbohydrates mà ra.

Mức độ trung bình của đường huyết là từ 64- 109 mg/100 ml, đo khi đói. Mức độ này được duy trì nhờ chất insulin của tụy tạng, kích thích tố tuyến giáp, diêu tố của gan và kích tố của nang thượng thận.

Khi vì lý do nào đó mà insulin thiếu hoặc không còn tác dụng thì đường huyết lên cao, ta bị bệnh tiểu đường.

Đường huyết cũng lên khi bị bệnh gan, mập phì, viêm tụy tạng, căng thẳng tâm thần.

Đường huyết thấp trong bệnh gan, thiểu năng tuyến giáp, ghiền rượu.

7-Khoáng sắt Iron cần cho sự tạo hồng huyết cầu, chuyên trở dưỡng khí.
Mức cần có là  từ 30- 170 ug/100 ml máu. Thiếu sắt ta bị thiếu máu (anemia).

8-Thử nghiệm tuyến giáp để coi chức năng của tuyến này.
Kích tố tuyến giáp (thyroid) rất cần thiết cho sự chuyển hóa căn bản và sự phát triển tâm trí, cơ thể.

Thiếu thì bị chứng đần độn ở trẻ em, phù niêm ở người trưởng thành.

Tăng tuyến giáp thì tim đập nhanh, đổ mồ hôi, tay chân run rẩy, lo âu, thèm ăn mà lại sút cân và không chịu đựng được sức nóng.
Thử nghiệm tuyến giáp thường đo là:

-mức đô Thyroxine (T4) bình thường là từ 4- 12 ug/100 ml;
-T3-Uptake =27- 47%;
-T4 tự do (T7) = 4- 12 và 
-TSH=0.5- 6IU/L.

9-Hóa chất bã của sự tiêu hóa chất đạm cần được loại ra khỏi cơ thể qua thận. Các chất này ứ đọng trong máu là chỉ dấu của nhiều bệnh khác nhau như bệnh suy thận, thoái hóa cơ thịt, ăn nhiều thịt, tác dụng vài loại dược phẩm, uống ít nước.

Có ba chất thường được thử nghiệm trong máu                   

-B.U.N. (Blood Urea Nitrogen) bình thường từ 7- 25 mg/100ml; 
-Creatinine =0.7- 1.4 mg/100ml và ,
-Uric acid dưới 3.5- 7.5. Uric acid lên cao trong bệnh thống phong (Gout).

Kết luận.
Coi vậy thì ta thấy thử máu là chuyện nên làm, để biết sức khỏe lành bệnh ở đâu. Cũng giống như khi nấu món canh chua cá lóc ta cũng phải nếm thử coi mặn nhạt chua cay ra sao mà thêm bớt gia vị; thương yêu một người cũng phải dò đường thử ướm đôi lời coi đáp ứng nồng nhạt thế nào. Chứ cứ nhắm mắt làm tới thì đâu biết món ăn ngon hay không, tình cảm thuận lợi hay bất lợi.
Phải không thưa quý thân hữu độc giả.

Mạch Sống Số 45, tháng 3, 2006

 

Posted on Thursday, April 20 @ 15:54:56 EDT by tuyethoang
 
Related Links
· More about Sức Khoẻ
· News by tuyethoang


Most read story about Sức Khoẻ:
Huyết Trắng và Viêm Âm Đạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Sức Khoẻ


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang