Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27923669
page views since June 01, 2005
MS21 - 03/04: Má Ơi! Đừng Gả Con Xa

Mái Ấm Gia Đình

Nguyễn Hải

Nếu tôi nhớ không lầm thì nữ ca sĩ Như Quỳnh có hát một bản nhạc mà phần đầu có đoạn diễn ngâm: Má ơi đừng gả con xa... mà toàn bản nhạc mang một nỗi sầu khổ của người con gái lấy chồng xa nhà, những khi đau khổ không có mẹ bên cạnh để được khóc, được kể lể, cảm thông với tâm sự của những thiếu phụ đã lấy chồng ở xa. Hôm nay, Nguyễn Hải mời quí độc giả cùng đọc bài viết này là chuyện có thật, là tâm sự của một nạn nhân bị bạo hành và ngẫm nghĩ xem nếu chẳng may con gái, hoặc em hoặc cháu của mình bị rơi vào hoàn cảnh dưới đây, mình sẽ phải xử trí ra sao.

Tôi gặp chàng vào năm tôi vừa 19 tuổi, thuở ấy, tôi đang sống dưới mái gia đình đầm ấm cùng cha mẹ, và ba anh chị em, tôi đang học Đại học Tổng hợp, năm thứ nhất ngành Thủy sản. Gia đình tôi nhờ Trời thương, cha mẹ làm ăn cũng khá giả, anh tôi đang học Đại học năm cuối, chị tôi cũng vừa tốt nghiệp Đại học.

Tôi có người Dì ở Hoa kỳ đã giới thiệu tôi cho chàng. Chẳng qua là Dì tôi cũng như bao bà mẹ Việt Nam khác, luôn lo sợ tôi bị ế chồng, con gái có thì, nếu lấy chồng trễ sẽ mất duyên đi, nên hối thúc cha mẹ tôi về chuyện trăm năm của tôi. Mà suy gẫm thì đúng là duyên số cả, nên lần đầu tiên mà chàng gọi cho tôi thì tôi đã cảm động lắm và rất mong được gặp gỡ sau khi đã có hẹn sẽ đến thăm gia đình tôi.

Chàng là một Việt kiều, đang học dở dang chương trình Đại học, đã có quốc tịch Mỹ, không phải là một thanh niên khôi ngô tuấn tú, nhưng có phong cách lịch thiệp. Chàng đã chiếm được cảm tình của mọi người trong gia đình tôi chỉ sau vài ngày tiếp xúc.

Với sự đồng ý của song thân, tôi cùng chàng đã có cơ hội tìm hiểu nhau trước khi quyết định tiến đến hôn nhân, chúng tôi đã đi xem những thắng cảnh địa phương, đi ăn uống, và sau đó, đi du lịch nhiều nơi. Chàng có hứa là sau khi thành hôn, tôi sẽ tiếp tục học, cho đến ngày đoàn tụ với chàng tại Hoa Kỳ, chàng sẽ đi làm việc để cho tôi được tiếp tục đi học. Sau khi tốt nghiệp, tôi sẽ đi làm việc và chàng sẽ trở lại nhà trường cho đến khi tốt nghiệp, hai vợ chồng sẽ phải chịu những khó khăn bước đầu để đổi lấy một tương lai tốt không thua gì những gia đình trí thức người bản xứ. Chàng đã vẽ cho tôi một bức tranh sống động, tuyệt đẹp với cảnh những đứa con chạy tung tăng trên bãi cỏ trước nhà, khiến tôi càng thêm tin tưởng chàng sẽ là một người chồng và người cha tốt.

Sau gần ba tuần lễ tìm hiểu, chuyện trò, chúng tôi quyết định thành hôn. Nhà tôi ai cũng vui mừng và mong ước tôi sẽ có được một tấm chồng tử tế, gia đình hạnh phúc. Chàng cho biết với tư cách là một công dân Mỹ, chàng có thể bảo lãnh cho tôi sang Mỹ đoàn tụ với chàng theo diện vợ chồng hoặc diện hôn thê.

Mọi người trong gia đình tôi góp ý rằng nếu sang Mỹ theo diện hôn thê thì chúng tôi sẽ làm đám cưới tại Mỹ; lúc đó, cha mẹ, bà con thân thuộc không ai chứng kiến ngày tôi đi lấy chồng. Mà theo phong tục Việt nam, chúng tôi phải có một đám cưới tại quê hương để chứng minh với họ hàng, bà con thấy rằng tôi xuất giá, và được cưới hỏi đàng hoàng chứ không phải đi theo trai. Khi sang Mỹ, chúng tôi sẽ làm đám cưới lại với sự chứng kiến của gia đình chồng, bạn bè, thân hữu nhà chồng.

Để giải quyết những ý kiên trên một cách hài hoà, chúng tôi đã có một đám cưới theo đúng tục lệ Việt nam, được làng xã, xóm giềng, thân hữu đến tham dự. Tuy nhiên, để đốt giai đoạn về di trú, chúng tôi treo bảng Lễ đính hôn ở một góc nhà và chụp hình để làm bằng chứng cho thủ tục bảo lãnh nhanh hơn khi chàng về đến Mỹ.

Quả đúng như lời chàng nói, chỉ sau 7 tháng, tôi đã cầm vé máy bay sang Mỹ sum họp với chồng.

Ngày tôi lên đường để về với chồng, bà con làng xã, thân bằng quyến thuộc tiễn chân tôi với lời chúc tụng gia đình hạnh phúc. Kể từ đó, tôi phải chia lìa với những người thân yêu và chưa biết đến bao giờ mới được gặp lại.

Tôi đã qua Mỹ theo diện Fiancé, và theo luật di trú Mỹ thì chúng tôi phải kết hôn trong vòng 03 tháng; sau đó, chồng tôi sẽ phải đứng đơn để xin điều chỉnh tình trạng cư trú cho tôi.

Nhưng sự đời nào ai có ngờ, chồng tôi thay đổi tâm tánh, chàng chẳng phải hào hoa gì, có chăng chỉ là “nghệ thuật” để chinh phục tình cảm phụ nữ nhẹ dạ như tôi và của gia đình tôi, đó là thủ đoạn để chiếm đoạt cuộc đời con gái trong trắng của tôi. Chàng đã thẳng tay vùi dập, không chịu đưa tôi đi làm hôn thú, không làm thẻ căn cước, không làm thẻ an sinh xã hội, và cái thẻ xanh được dùng làm vũ khí lợi hại để khống chế tôi cả về tinh thần lẫn thể xác. Tôi không thể ngờ rằng một con người có cái vẻ bề ngoài lịch thiệp mà tôi hằng mong nhớ, yêu quí, từng ngày đêm trông đợi ngày đoàn tụ lại là một kẻ dã man, lòng lang dạ thú đến như vậy.

Bất kể ngày hay đêm, tôi đã phải làm bổn phận của một cô gái làng chơi, đủ trò, đủ kiểu để phục vụ ông chồng. Anh ấy buộc tôi phải cùng xem phim Sex và bắt tôi phải thực hiện y hệt trong phim. Anh la hét bảo tôi rằng người ta làm được thì tôi cũng phải làm được, thật là xấu hổ cho thân tôi, vì tôi không có cảm xúc gì khi xem những cuộn phim dâm dục, bẩn thỉu như vậy; tôi đâm ra sợ hãi chuyện gối chăn... Tôi đã bị xuất huyết mấy lần nhưng anh ta không hề xót thương, sợ hãi mà còn tỏ ra khoái trá, không đưa tôi vào nhà thương hoặc bác sĩ điều trị. Anh nói rằng hiện nay tôi đã là người cư trú bất hợp pháp; nếu tôi đến nhà thương hoặc bác sĩ, tôi sẽ tự nộp mình cho chính quyền vì mọi cơ quan đều có nhiệm vụ báo cáo với cảnh sát những kẻ không giấy tờ, cư trú bất hợp pháp để trục xuất về quê hương.

Nghĩ đến lúc bị trả về Việt nam trong hoàn cảnh bị trục xuất, tôi còn mặt mũi nào mà nhìn bà con láng giềng, nên đành phải cắn răng chịu đựng bị hành hạ cho qua ngày đoạn tháng “để xem con tạo xoay vần đến đâu”.

Trọn 90 ngày ở bên chồng tôi hoàn toàn là một con điếm, và nói rõ hơn là không bằng một con điếm, vì con điếm phục vụ khách mua hoa để lấy tiền và còn có quyền từ chối khách mà họ không thích. Còn tôi, tôi không có được một xu, không có quyền từ chối bất cứ việc gì, vì kinh nghiệm cho thấy nếu không chịu, tôi sẽ bị đánh đập thô bạo, mà sau cùng cũng vẫn phải làm theo ý muốn của chồng tôi.

Ngoài việc tôi là một nô lệ về tình dục của chồng, tôi còn là một kẻ nô lệ trong gia đình chồng, làm việc nhà quần quật. Cha mẹ chồng thì bênh con, chỉ nghe lời nói của con trai mà không thèm nghe lời giải thích của tôi. Họ bắt bẻ tôi đủ điều. Những lúc quá tủi thân tôi đã khóc thì họ hỏi là nhà này có ai chết đâu mà khóc, muốn khóc thì về Việt Nam mà khóc.

Cô độc, đau khổ, vất vả mà vẫn không được yên thân và không có ai để than thở hoặc tâm sự.

Tôi có một người Dì, người đã mai mối cho tình duyên này, nhưng tôi nào dám hé môi vì quá xấu hổ, và cũng vì tôi nghĩ là việc riêng tư giữa hai vợ chồng. Một đêm, tôi không đồng ý cho anh làm tình một cách bệnh hoạn, anh đánh đập tôi, nắm tóc lôi kéo tôi ra cửa, đẩy tôi ra khỏi nhà, hăm dọa sẽ bắn chết tôi nếu để anh ta nhìn thấy.

Lúc đó là 10 giờ tối, anh nghĩ rằng tôi tứ cố vô thân, không nhà cửa, không giấy tờ, tôi sẽ phải quay trở lại, lạy lục xin anh cho vào nhà và sẽ lại tiếp tục thoả mãn những đòi hỏi bệnh hoạn. Tôi đã quá uất ức, không thể kéo dài và tiếp tục chịu đựng cuộc sống tù đày này nữa và quyết định phải rời xa con người hung ác, dã man này. Tôi gõ cửa nhà hàng xóm là người Mỹ và xin họ giúp đỡ cho gọi nhờ điện thoại. Tôi nhớ số điện thoại của Dì và gọi Dì tới đem tôi đi.

Tôi thuật lại cho Dì nghe mọi chuyện. Dì quá sợ hãi, gọi số Hotline trên toàn quốc để kêu cứu và được hướng dẫn liên lạc với Houston Area Women’s Center và tôi đã được tá túc tại đây.

Họ là những người đầy lòng nhân đạo. Tôi được trợ giúp làm thẻ căn cước, giúp cách thức đi học nội trú, được hướng dẫn tự làm thủ tục di trú cho mình để thay đổi tình trạng cư trú hợp pháp mà không cần người chồng bảo lãnh. Nhờ luật sư chuyên môn về di trú và nhờ sự tận lực của chuyên viên tham vấn (Counselor), tôi đã được Sở Di Trú chấp thuận tư cách thường trú thực thụ tại Hoa Kỳ vì thực sự đã là nạn nhân của bạo hành trong gia đình.

Câu chuyện trên đây cho thấy các cô gái lấy chồng và sang Hoa Kỳ theo diện hôn thê (fiancé) là một rủi ro rất lớn (high risk) nếu chẵng may gặp phải người xấu.

Một lời khuyên cho các cô là: không ai có quyền hành hạ quí vị, dù là một di dân hợp pháp hay bất hợp pháp. Không một ai, kể cả chồng hay vợ của mình, có quyền giữ giấy tờ tuỳ thân của quí vị. Chính sách của chính phủ Hoa Kỳ luôn có những điều khoản, luật lệ để bảo vệ cho một di dân bị người hôn phối hành hạ, ngược đãi. Bất kỳ tiểu bang nào cũng có chương trình trợ giúp cho các nạn nhân bị hành hạ (Family Violence Program).

Những người không có giấy tờ hợp lệ tại Hoa kỳ mà chúng ta quen gọi họ là di dân bất hợp pháp, trong luật di trú, và tại các cơ quan chính phủ, người ta gọi là ngoại kiều không có giấy tờ (undocumented alien) được định nghĩa là những ngoại kiều chưa điều chỉnh tình trạng cư trú. Những người này chỉ bị bắt giữ và trục xuất khi họ vi phạm luật pháp Hoa Kỳ. Còn di dân bất hợp pháp (illegal alien) là những người đã bị trục xuất và sau đó lại quay trở lại Hoa kỳ. Chỉ những di dân bất hợp pháp này mới bị các cơ quan cảnh sát tìm bắt. Các cơ quan chính phủ và bất cứ ai biết được người nào là di dân bất hợp pháp đều có nhiệm vụ báo cho cơ quan cảnh sát di trú biết để bắt giữ. Do đó, những ngoại kiều được gọi là “di dân không có giấy tờ” vẫn có nhiều cơ hội để xin điều chỉnh tình trạng di trú qui định trong luật di trú như bị bạo hành hoặc bằng những thông báo về luật khoan hồng (Amnesty) cho điều chỉnh tình trạng di trú đối với người đã ở Mỹ lâu năm nhưng không vi phạm luật pháp Hoa kỳ.

Nếu là một nạn nhân của bạo hành, quí vị nên gọi cho National Domestic Violence hotline số 1-800-799-7233 là số khẩn cấp toàn liên bang và xin được giúp đỡ. Nếu ở tiểu bang Texas, quí vị gọi số 713-528-2121. Khi gọi đường dây khẩn cấp (Hotline), nếu không biết tiếng Anh, chỉ việc nói Vietnam hoặc Vietnamese là các nhân viên trực điện thoại khẩn cấp hiểu quí vị chỉ nói được tiếng Việt và họ sẽ có cách giúp quí vị. Trong nhiều trường hợp tại Houston, nạn nhân đã được trợ giúp có xe Taxi hợp đồng với Houston Area Women’s Center đón nạn nhân tại điểm hẹn, đưa về trụ sở của chúng tôi.
Xin nhớ một điều quan trọng rằng: Thà mất mặt còn hơn mất mạng. 

 

Posted on Tuesday, October 25 @ 10:36:21 EDT by tuyethoang
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by tuyethoang


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 4.66
Votes: 3


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Mái Ấm Gia Đình


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang