Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27815977
page views since June 01, 2005
MS22 - 04/05: Nợ Ngu Thê

Lịch Sử Qua Lời Ke

LTS: Mỗi năm, cứ vào tháng Tư, người Việt ở hải ngoại thường nhắc tới những đau thương của một quốc gia tan rã và những hệ luỵ không tránh khỏi cho người dân khốn khổ. Một trong những đau thương đó là người ta nói về người tù “cải tạo” mà ít đề cập tới những người “nuôi tù cải tạo”. Đoản văn này như một lời tạ ơn đến quý chị, quý bà đã hơn một lần đổ lệ nuôi chồng dạy con và làm

Người ta nói nhiều đến người tù cải tạo trong rừng sâu núi thẳm, nhưng ít ai biết tường tận nỗi nhục nhằn cay đắng ở ngoài vòng kẽm gai của những “ngu thê” nuôi con, nuôi tù và không biết chịu đựng nổi đến bao giờ.

Trước hết, lão già dịch gọi là “Tư văn nghệ” xin thưa: chữ “Ngu Thê” là của bác TTY dùng. Khi đọc bài Ngu Thê (Lý Tưởng Xuân Bính Tý) lão đã tủm tỉm cười với mụ vợ:

-Hồi nào tới giờ mụ nói lấy tôi là ngu dại, là nợ nần. Xem đây, mụ có ngu hơn bà này không?

Có người nhắc đúng bài kinh nhật tụng, mụ Tư ngẩng mặt lên làm một hơi:

-Người ta còn có danh có giá, có tiếng có miếng, còn tôi theo ông chỉ có khổ có khóc. Lúc ông còn cân đai mũ áo thì hết con này bu, con kia níu, về tới nhà thì như cái bã mía. Lúc tù tội thì chỉ con già này lặn lội suối đèo đi nuôi. Mấy mẹ có tiền nuôi trai xỉa xói: “Mặc xác thằng chả, cho chả chết luôn. Lúc lên xe xuống ngựa chả ăn chơi bạt ngàn, đào tơ đào nhí đủ loại đủ cỡ. Bây giờ sao không thấy con nào ngó tới. Bà ngu vừa thôi. Để tiền vượt biên còn có lý hơn ...”

Lão Tư thất kinh đưa tay lên khoát lia:

-Thôi thôi tốp đi đại tỉ. Có một bản ca hoài không chán sao?

Nói xong không đợi mụ vợ phản ứng tiếp cái gì, lão cầm tờ báo te te vào phòng. Dĩ đào vi thượng mà!

Hơn mười năm nay, từ ngày gia đình lão đặt chân lên đất Mỹ này, lão đã có nhiều cơ hội nghe và thấy nên ngoài mấy người bạn thân, lão ít giao tiếp với ai. Một phần vì phải lo ổn định cuộc sống cho bản thân và con cái, một phần chẳng còn thấy hứng thú gì. Đời sống ngắn ngủi đã bước gần khoảng cuối mà còn bao nhiêu việc cần thiết chưa làm. Rảnh rỗi chỉ còn cái thú chuyện trò với mấy cụ đã yên mồ yên mả từ lâu, đang nằm gọn trong tủ sách. Bỏ tờ Lý Tưởng xuống bàn, lão lục lạo mấy quyển có bàn đến “cái Thê” chung chung trong thiên hạ.

Triết gia Socrate xúi: “Lấy vợ đi, được vợ hiền thì sướng, phải vợ ác thì mình sẽ thành triết nhân, càng hay” (kinh nghiệm bản thân của ông mà).

Lão Tư lại thích một đoạn lý thú của Rabelais mà cụ Lãng Nhân đã trích trong quyển Trước Đèn, mục Sâm Thương (Nam Chi Tùng Thư, tái bản năm 1974):
Panurge ngày kia hỏi Pantagruel xem có nên lấy vợ hay không, Pantagruel đáp:

-Nếu anh nhất định lấy vợ thì còn hỏi làm gì nữa. Cứ việc lấy là xong.

-Đã đành. Nhưng trước khi lấy, tôi muốn anh cho tôi biết ý kiến anh thế nào; anh bảo nên hay không nên.

-Tôi khuyên anh nên.

-Nhưng anh ơi, giá cứ ở yên thế này, đừng thay đổi, có lẽ còn hơn là lấy vợ đấy nhỉ?

-Thế thì đừng lấy.

-Biết thế. Mà chẳng lẽ suốt đời tôi chịu sống trơ trọi không vợ không con hay sao? Anh không thấy thánh kinh dạy đó ư: Khổ thay kẻ sống một mình! Người cô thân hẳn là không được sung sướng cho bằng lứa đôi...

-Thế thì lấy vợ đi!

-Ngộ rồi chẳng may bị ốm đau, không làm nổi phận sự người chồng, vợ tôi bấy giờ thấy tôi suy nhược, dằn lòng không nổi, hiến thân cho kẻ khác, không những không săn sóc đến tôi, lại còn mỉa mai cái khổ của tôi, thì thực chỉ tổ làm tôi mau chết mà thôi.

-Thế thì đừng lấy!

-Nhưng không lấy thì làm gì có con cái để nối dõi và hưởng những của cải tôi để lại?

-Thì lấy vợ đi!

Câu chuyện dấm dẳn của Pantagruel và Panurge đến đây là bỏ dở: Panurge vẫn chưa quyết định nên lấy vợ hay không. Mà từ hồi Panurge đến nay, vấn đề hôn nhân vẫn chưa giải quyết được dứt khoát.

Từ hồi ấy đến nay, người ta đã đi được một bước dài trên đường trí thức. Nhiều điều đã lấy tinh khôn và suy xét mà đọ đến gốc nguồn. Duy còn một vài vấn đề như vấn đề hôn nhân, thì lại vẫn ở trong chỗ mập mờ, chưa ai dám tự phụ là đã khám phá ra được rõ rệt.

Vẫn còn mập mờ, mà người ta vẫn cứ lấy nhau!

Phải, vẫn cứ lấy nhau thôi. Nhất là quân nhân, ít có anh chàng nào dấm dẳn cù lần kiểu Panurge. Súng đạn, giông bão còn không sợ, sợ gì chuyện lấy vợ.

Ấy thế mới khổ cái thân lúc về già! Phải kinh qua bao nhiêu khổ luỵ mới thấy Byron nói về đàn bà cũng có lý: “Không thể sống với họ được mà không có họ cũng không được.”

Lão Tư xếp mấy quyển sách lại. Nói cho cùng, mỗi khi con vợ cằn nhằn, lão tuy chống chế cho có lệ, nhưng trong thâm tâm, lão thấy khó mà cãi được cái tội của mình. Nhưng nếu mụ Tư biết rằng tha thứ mà cứ nói hoài là mình tha thứ, thì còn gì là tha thứ nữa! Mà ngay cả điểm này, nghĩ đi nghĩ lại, lão cũng không trách bà được. Con vợ mình thì cũng hỉ, nộ, ái, ố như ai, nào phải là mụ thánh nào giáng thế đâu! Bao nhiêu cái bầm gan tím ruột thời xuân trẻ, bao nhiêu gian lao nguy hiểm cận kề cái chết trong chiến tranh, bao nhiêu cay đắng nhục nhằn khi chồng ở tù trong, vợ ở tù ngoài, lại còn nuôi dạy một đàn trẻ nhỏ thơ dại, cưu mang một bà mẹ chồng khó tính! Những chịu đựng, dồn nén trên ba mươi năm đăng đẳng mà mụ ấy chưa điên thì cũng là Trời thương, Phật độ quá chừng rồi!

Qua khói thuốc nhạt nhoà trước mặt, lão Tư mơ hồ nhìn thấy những hình ảnh ban đầu, những hình ảnh chan hoà vừa tiếng cười mê đắm của hạnh phúc, vừa tiếng nấc bi thương của trái ngang, những hình ảnh đậm đà đến nỗi lão Tư cho rằng nếu được làm lại từ đầu, lão cũng chẳng có gì thay đổi. Và... điều quan trọng là không có gì hối hận! Thích chơi thì chơi tới cùng. Vậy thôi.

Năm hai mươi tuổi, lão Tư là một chuẩn uý Pháo binh non choẹt về mọi thứ.

Lão về trình diện đơn vị đầu tiên là Tiểu đoàn 36 Pháo binh, tổng trừ bị của Quân đoàn I, đóng ở Phước Tường, cách Đà Nẵng non chục cây số. Bài bản đầu tiên của sĩ quan Pháo binh là “Đề lô” (Tiền sát viên) nên dù là sĩ quan Địa hình của Tiểu đoàn, sau một tháng làm trò cười cho mấy xếp trên bàn domino, trong diễn tập, trong giao tế linh tinh, chàng Tư mặt búng ra sữa, ba lô khăn gói lên đèo Hải Vân thay thế cho một thiếu uý. Đi đề lô vị trí (làm tiền sát viên cho một đơn vị Bộ binh đóng đồn) cho địa điểm này thì cũng giống như đi nghỉ mát. Ban ngày có thể vác khẩu carbine đi bắn chim hay lái xe lên đỉnh đèo ngắm khách giang hồ xuôi Nam ngược Bắc. Chán cảnh tĩnh mịch của Lăng Cô, Liên Chiểu thì trở về Đà Nẵng bù khú với bạn bè đồng cỡ. Làm thế nào mà chiều tối có mặt ở đồn trại là được.

Chơi với súng 155 ly chẳng bao lâu chàng Tư lại được chuyển sang Không quân. Và cũng từ cái bước ngoặt không biết là tốt hay xấu này, hai người có một cuộc sống đầy sôi động mà vui hay buồn đều thắm thiết.

Năm 1963 chiến trận đã bắt đầu ác liệt. Hai phi đoàn khu trục và một phi đoàn quan sát thỉnh thoảng lại rơi rụng một chiếc. Một số là bạn học hồi còn nhỏ của chàng, một số là bạn mới quen ở đơn vị. Cứ mỗi lần như thế là chàng lầm lì cả tuần, có khi trở về nhà đã say khướt. Nàng Tư thông cảm sâu sắc tâm trạng của chồng. Thân xác chàng đó, hơi thở nồng ấm đó, nhưng cũng trong một giây phút nào đó, mọi thứ đều có thể trở thành hư không hay cát bụi. Hàng ngày nàng vào sở làm, cố gắng xua đuổi những ý nghĩ đen tối trong công việc thường nhật, nhưng thế giới của nàng cũng là lính là tráng, nhất nhất cái gì cũng khiến nàng nghĩ tới, lo lắng và sợ sệt.

Chàng Tư đi biệt phái nhiều nơi, từ Phan Thiết, Hàm Tân, xuống tận Sóc Trăng, Cà Mau, Châu Đốc... tới đâu cũng có bồ có bịch.

Có một hôm, chàng Tư vô tình nghe lỏm được mấy câu đối đáp của mẹ và vợ:

-Hai à, tao nghe đâu như ba con Na (tên đứa con đầu lòng của Tư) bồ bịch hoang lắm. Con phải hỏi nó mới được...

-Thôi má à. Ảnh bay bổng cực khổ, nguy hiểm lắm. Cứ để ảnh vui chơi chút đỉnh. Lỡ có bề gì cũng đỡ ân hận.

-Mày đừng ỷ y quá con à.

Chàng cảm động lắm.

Rồi thời gian chồng chất, nàng lẽo đẽo theo chàng qua khắp địa danh, Sóc Trăng, Nha Trang, Phù Cát, Pleiku... Nơi nào cũng vui ít mà khổ nhiều. Cho đến ngày tan đàn xảy nghé, nàng lãnh đủ mọi cực nhọc vất vả về thể xác lẫn tinh thần. Người ta nói nhiều đến người tù cải tạo trong rừng sâu núi thẳm, nhưng ít ai biết tường tận nỗi nhục nhằn cay đắng ở ngoài vòng kẽm gai của những “ngu thê” nuôi con, nuôi tù và không biết chịu đựng nổi đến bao giờ.

Có lúc bà Tư - không phải là nàng Tư láng cón ngày nào - đã nghĩ đến một liều thuốc độc trộn chung trong thức ăn ngon, bữa cơm cuối cùng của một bà lão, một thiếu phụ và sáu đứa trẻ.

Mãi về sau này, khi lão Tư trở về được gia đình với tấm thân tàn ma dại, đau yếu bệnh hoạn, nhưng cũng có lúc yên ổn bên nhau, mụ Tư thỏ thẻ: “Bố cần tìm chất liệu đâu xa, đời em từ thuở theo bố đến nay đã là một chuyện dài đáng đọc rồi”. Lão Tư cười cười ra điều bí hiểm: “Cứ để đấy.”

Trong thiên hạ, mối tình mới đầu là thiên đường, hạnh phúc, kết cuộc là địa ngục khổ sầu có lẽ là văn hào Léon Tolstoi và nàng Sophie. Tóc bạc phơ mà già Léon còn bị ái tình dằn vặt đến nỗi viết trước một lá thơ rồi định trốn vào rừng (định thôi, chứ không dám làm thật, mãi đến ngoài 80 mới ra đi, vài hôm sau ngã bệnh và chết trong một tu viện, cạnh bên có cô con gái út). Bức thư viết mà không gởi có đoạn như sau:

“Bây giờ anh quyết định làm cái việc mà anh muốn làm từ lâu, là bỏ ra đi... Người Ấn Độ, tới sáu chục tuổi, bỏ nhà vào rừng ở, người nào tu hành và già cũng muốn tặng những năm cuối cùng cho Chúa, mà từ bỏ những trò đùa cợt, những thú vui ồn ào ở đời đi, thì anh cũng vậy, nay tới tuổi bảy chục, chỉ thiết tha mong được yên tĩnh một mình; và nếu không thể có một sự hoà hợp hoàn toàn thì ít nhất cũng ráng tránh những mâu thuẫn quá chướng giữa đời sống và lương tâm. Nếu anh tuyên bố trước rồi bỏ nhà ra đi thì em và các con sẽ năn nỉ, đưa lý lẽ này lý lẽ nọ, và anh nhu nhược sẽ không thực hành được quyết định của anh, mà nó phải thực hành cho kỳ được. Vậy xin em và các con tha thứ cho anh nếu hành vi của anh làm cả nhà buồn. Và nhất là em, em Sophie, để cho anh đi, em ạ, đừng tìm kiếm anh, đừng giận anh, đừng trách anh. Cái việc anh bỏ em ở lại, không phải tại anh oán hận gì em đâu... Anh biết rằng em không thể, em không thể nhìn thấy và tư tưởng như anh được; cho nên em không thể thay đổi đời sống và hy sinh cho một cái mà em không nhận là đúng. Cho nên anh không trách em; trái lại, nhớ tới ba mươi năm đằng đẵng sống chung với nhau, anh thấy yêu em và biết ơn em lắm...”

Lão Tư cười thầm khi nghĩ nếu đem chuyện này nói với mụ vợ, mụ sẽ nguýt cho một cái cháy râu hay xỉa xói: “Phải, phải, tui cực khổ với cha con ông đủ điều. Bây giờ động tới mấy chuyện bê bối của ông thì đòi đi phải không? Ông làm ơn đi, tôi năn nỉ ông buông tha giùm tôi mà ông có chịu đâu”. Ừ, sao bây giờ mụ lắm lời thế nhỉ! Ngày xưa cái gì cũng cười, cạy miệng không có một tiếng, mà nếu có cũng là những lời nũng nịu dễ thương. Nói cái ý nầy ra thì càng chết: “Tui xấu như thế này là tại ai? Ông chơi những cái mà Phật trên bàn cũng muốn nhảy xuống, nói chi là tôi. Lại còn Việt Cộng nữa, tay mang cả chục đứa nhỏ mà chân chất khờ khạo như lúc mới lấy ông thì chỉ có chết nhăn răng. Chết nhăn răng đó ông à, chớ không phải chết ngậm cười đâu”.Chỉ còn nước làm thinh là tốt nhất. Lý lẽ nào cãi cho lại. Các cánh chim non lần lượt bay đi khỏi tổ gần hết. Chỉ còn lại hai mái đầu sương điểm mà còn cắn nhau thì tội lắm. Vả lại, có nhịn con ngu thê của mình đôi điều thì cũng chẳng có gì gọi là... cực lắm. Lão nợ mụ nhiều quá. Mụ la làng nhiều lần: “Hết còn chỗ nào ghi rồi ông ơi”.

Thì đang gắng trả dần đây. Mụ chả nói cháo húp quanh, nợ trả dần là gì? Bát cơm, chén trà khuya sớm có nhau, cũng là ấm áp. Khổ cực cũng có lúc đền bù.

Mụ còn nhớ dường như là André Maurois đã nói: “Một cuộc đời hạnh phúc là đến tuổi già xế bóng còn được sánh vai chung bước với những người đã từng cùng mình chiến đấu kề cận lúc tuổi xuân”. Còn chuyện nhỏ, chuyện lớn ồn ào ngoài sân, hãy để cho Trời định.

Vâng, hãy cứ để cho Trời định. Được hay thua, vua hay giặc, những tuồng tích lớp lang trong cái lịch sử một đất nước nhỏ bé tội nghiệp của chúng ta cứ tái diễn liên hồi. Người ta cho rằng đời sống là một sân khấu hay một cuộc khiêu vũ hoá trang mà ai tham dự cũng mang một mặt nạ nào đó. Có điều là chúng ta đã không được lựa chọn cái mặt nạ mình ưa thích. Mà sao? Chúng ta chơi cũng không đến nỗi tệ chứ? Chưa đầy hai mươi tuổi chúng ta đã đứng dưới cờ. Mười lăm năm tại ngũ, mười tám năm tù trong tù ngoài, chén cơm có khi phải chan cùng nước mắt tủi nhục; thảy thảy đều đã trang trải xong xuôi, không hổ thẹn, không oán hờn.

Ta muốn gọi một lần cái tên mà má ta vẫn kêu theo thứ bậc trong gia đình đứa con dâu đáng thương của mình:

“Hai à, cái món nợ của em thế nào ta cũng phải trả đàng hoàng thôi. Sống với nhau trên bốn mươi năm em nào thấy ta chơi chịu, chơi chạy với ai bao giờ đâu. Có điều lúc trẻ thì ta ỷ lại vào tình yêu, ỷ lại vào sự tin cậy của em, nên chỉ lo đối ngoại. Bây giờ thì ‘cái gì của Hai, trả lại cho Hai’. Chỉ xin, ta trả theo cách của ta, không làm dơ cái mặt nạ đã tốn nhiều công gìn giữ. Đồng ý?”

Posted on Tuesday, October 11 @ 16:07:14 EDT by tuyethoang
 
Related Links
· More about Lịch Sử Qua Lời Ke
· News by tuyethoang


Most read story about Lịch Sử Qua Lời Ke:
Đời Sống Người Tù Cải Tạo

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Lịch Sử Qua Lời Ke


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang