Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27810440
page views since June 01, 2005
MS98 - 09/10: Cái Tâm là Gốc Của Thành Công

Phát Triển CĐ

Minh Công

Hầu hết chúng ta ai cũng có một công việc để kiếm sống. Trong một số trường hợp, có thể làm giàu nhờ công việc đó, nhưng không phải ai cũng thành công. Đối với công việc của mình, có người rất hài lòng, có người bất mãn, có người coi đó chỉ là một bước tạm thời trong lúc “quá độ”. Và ai cũng mong muốn mình sẽ thành công. Nhưng mọi người đã làm việc ra sao? Kết quả thế nào?

Một bác trung niên tốt bụng và chăm chỉ làm trong một tiệm nail đã 9 năm; bác được chủ tiệm rất tin tưởng và thân thiết như ruột thịt. Ngoài mức lương luôn khá hơn những “đồng nghiệp” xung quanh một chút, bác còn được mua bảo hiểm an sinh xã hội để sau này về già có lương hưu.

ảnh my.opera.com



Nhưng tại tiệm nail đó, có những cô nhân viên trẻ luôn tị nạnh công việc, tranh giành khách, và đùn đẩy trách nhiệm cho nhau. Kết quả là đa số các cô chỉ làm trong một thời gian ngắn rồi bỏ việc, nhảy sang những chỗ khác với hy vọng sẽ kiếm được nhiều thu nhập hơn. Tất nhiên không một ai có bảo hiểm y tế và an sinh xã hội.

Một sinh viên mới ra trường làm việc trong một công ty A. Bắt đầu với mức lương khởi điểm ít ỏi, anh cần mẫn học hỏi những người đi trước để hoàn thành trách nhiệm của mình. Chẳng bao lâu sau anh đã thành thạo mọi việc, dự án anh quản lý chẳng ai phải phàn nàn. Sau 8 năm, bây giờ anh đã là một trong những trụ cột “cứng” rồi, không những lương hướng cao, ưu đãi tốt mà công ty còn chia cổ phần để gắn bó với anh lâu dài.

Anh B có người bạn rất giỏi trong trường đại học, khi đi xin việc ở đâu cũng phô trương về khả năng và thành tích học tập của mình. Khi xin được công việc bình thường, người này cho rằng không “xứng tầm”. Sau khi làm một thời gian chẳng có ai để ý, anh ta kết luận “xếp” không biết đánh giá “đúng chất” con người và nhảy tìm một công ty khác. Nhưng quản lý của công ty mới hình như cũng không biết “nhìn nhận”, chẳng mấy chốc anh ta lại chán. Rốt cuộc, tám năm trời nay anh chuyển hết từ công ty này sang công ty khác. Anh ta chán ngán và bị stress. Anh thường than vãn với mọi người là “không hiểu sao số tôi xui thế, giỏi mà không ai nhìn nhận”.

Có bạn nào giống anh chàng “giỏi giang” như trên không? Xin thưa rằng định mệnh có thể đưa con người đến hoàn cảnh nào đó, còn kết quả xấu tốt ra sao là do người đó suy nghĩ và hành động có đúng đắn hay không. Cuộc sống có những quy luật không thể đi ngược lại. Con người chỉ đạt được nguyện vọng của mình bằng công sức, tâm huyết mình bỏ ra.

Những người làm ăn hời hợt, hớt váng, hoặc bất chấp lương tâm, đạo lý thì những đồng tiền trái đạo lý sớm hay muộn cũng bay đi. Các bạn trẻ hăng hái làm giàu nên nhớ rằng chỉ những sản phẩm, dịch vụ tốt, có ích cho con người, cho xã hội mới tồn tại được và đem lại sự giàu có, thành đạt đích thực cho các bạn.

Người làm công bình thường thì ít lo nghĩ, thu nhập vừa phải, nhưng có thời gian tận hưởng cuộc sống. Sau khi bận rộn làm việc, đến giờ tan sở là họ thoải mái, vô tư ra về. Với họ, tài năng và công sức làm việc tới đâu hưởng tới đó. Còn các người quản lý hay làm chủ thì chẳng bao giờ có khái niệm hết giờ, xong việc hay nghỉ ngơi thực sự. Họ có thể bình thản bên ngoài, nhưng trong đầu, họ luôn luôn lo toan với công việc. Ai đã từng trải qua mới hiểu được phải vất vả và lo toan đến độ nào trong quá trình đưa ra một dự án, rồi phát triển và quản lý thành một chương trình khả quan. Những người quản lý thành công với nhiều chương trình, dự án hoạt động tốt, quả là đáng khâm phục. Họ phải đổ bao nhiêu công sức, thời gian, trí tuệ, mới có được thành quả mà mọi người nhìn thấy. Nhưng họ nhức đầu không phải là ít.

Làm gì cũng có cái giá của nó là thế đấy. Khi chúng ta chọn cho mình một hướng đi cho tương lai, ta không cần phải chạy theo một trào lưu nào cả. Trái lại, chúng ta nên chọn công việc mình yêu thích và có khả năng thực sự, để bản thân có niềm đam mê, thấy mình đã quyết định đúng, và nếu có thất bại thì cũng không hối hận.

Nói một cách khác, nếu mình có tâm, đức, nhiệt huyết và tinh thần trách nhiệm thì việc gì cũng có nhiều triển vọng mang lại thành công. Không phải ai cũng tìm được đúng ngành học hay đúng hướng đi ngay từ ban đầu. Nếu sai lầm, bạn hãy cứ hoàn toàn tự tin, chuyển đổi sang ngành khác hoặc việc khác phù hợp với mình hơn. Không cứ phải quyết định cuộc đời mình bởi những bằng cấp học được trong trường đại học. Hiện nay có rất nhiều người làm việc không đúng ngành học ban đầu nhưng cũng rất thành công trong lãnh vực công việc của họ.

Nếu bạn trẻ nào chọn con đường kinh doanh thì xin nhận thức rằng đó là cả một quá trình vất vả, gian nan. Đã đam mê rồi thì hãy kiên trì làm cho bằng được. Còn nếu bạn chọn con đường làm cho một công ty hay một thương gia nào đó thì dù ở đâu cũng hãy vận dụng hết tài năng, tâm huyết, để trở thành “cây cổ thụ” trong lĩnh vực chuyên môn của mình. Bạn nên nhớ rằng cái “tâm” ảnh hưởng đến cơ hội thành công và thất bại như nhau.

Mỗi người có một sự nghiệp riêng, làm công hay làm quản lý cũng vậy. Điều quan trọng là ai sẽ thành công với cái “tâm” khi cán đích? Thành đạt thật cao theo tham vọng của mình thực ra không quan trọng bằng nỗ lực trong công việc. Theo thiển ý của tôi, nếu bạn trả lời “có” cho những câu hỏi dưới đây là tốt rồi: (1) Việc bạn đang làm có chân chính, lương thiện không? (2) Việc đó có đúng với khả năng và ước vọng của bạn không? (3) Bạn đã suy nghĩ và làm việc hết mình chưa? (4) Sản phẩm (hoặc kết quả công việc) của bạn đã tốt nhất so với tài sức của bạn chưa? (5) Thu nhập có xứng với công sức bỏ ra hay không?
Người Việt chúng ta có câu “có đức mặc sức mà ăn”. Càng ngày tôi càng thấm thía câu nói đơn giản mà có ý nghĩa sâu sắc này. Hơn bao giờ hết, câu nói này rất phù hợp và cần được nêu cao trong xã hội hiện đại, đặc biệt là với những bạn trẻ đang xây dựng sự nghiệp. Các bạn cần luôn tâm niệm rằng cái tâm, cái đức chính là nền tảng cho mọi thành công đích thực trong cuộc sống của mình.
Chương trình Tự Lập Qua Tiết Kiệm và Giáo Dục (RISE) của BPSOS được tài trợ bởi Administration for Children and Families để giúp những người cha có được một nền tài chính vững vàng, nuôi dạy con cái nên người và có được mối quan hệ mật thiết và tốt đẹp giữa cha mẹ và con cái. Chương trình này hiện chỉ được thực hiện tại tiểu bang Virginia. Số chương trình: 90FR0038. Những ai hộii đủ điều kiện đều có thể tham gia vào chương trình RISE này. Chúng tôi không phân biệt sắc dân, giới tính, tuổi tác, tàn tật, hay tôn giáo.

Posted on Wednesday, September 01 @ 11:05:45 EDT by ngochuynh
 
Related Links
· More about Phát Triển CĐ
· News by ngochuynh


Most read story about Phát Triển CĐ:
Dùng sở trường và ưu thế

Article Rating
Average Score: 5
Votes: 1


Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang