Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27812446
page views since June 01, 2005
Hồng Mãn Chi

Chống Buôn Người

Một Tấm Gương Đáng Phục

 

Ts.Nguyễn Đình Thắng

 

Đó là tên của một phụ nữ Việt lấy chồng Đài loan mà tôi rất cảm phục. Cảm phục vì bản lĩnh vàvì tấm lòng của cô. Tôi gặp cô trong chuyến thăm Đài Loan đầu năm nay.

 

Là ngưòi Việt gốc Hoa, Mãn Chi sinh ra và lớn lên ở Chợ Lớn. Cách đây 12 năm cô lấy chồng người Đài Loan và theo chồng về nước. Vì chính sách của Đài Loan công nhận tư cách công dân của các Hoa kiều sống ở nước ngoài, Mãn Chi được hưởng quy chế song tịch: có quốc tịch Đài Loan mà không phải từ bỏ quốc tịch Việt Nam. 

 

Mắt thấy tai nghe những cảnh bất công, cách đây 6 năm em tham gia trong tổ chức TASAT để tranh đấu cho quyền lợi của các chị em phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Đài Loan, Mãn Chi tâm sự. Cô bây giờ vừa là thành viên hội đồng quản trị của tổ chức này, vừa là nhân viên.

 

 

Hồng Mãn Chi và Ts. Thắng tại văn phòng TASAT ở Taipei, Taiwan,

ngày 6/1/10 (ảnh CAMSA)

 

 



TASAT, viết tắt của Trans-Asia Sisters Association, Taiwan, tạm dịch là Hội Các Chị Em Xuyên Á Ở Đài Loan, là một tổ chức bất vụ lợi có quy chế hoạt động chính thức. Hội này được thành lập bởi chính các chị em phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Đài Loan, gồm có Việt Nam, Indonesia, Thái Lan, Malaysia, và Kampuchia. Số hội viên hiện nay trên 200; nhóm người Việt đông nhất, gồm trên 100 thành viên. Hội viên đều đóng niên liễm là 500 đô la Đài Loan, tương đương 16 Mỹ kim.

 

Nguồn gốc của hội bắt đầu năm 1995, khi một nữ giáo sư đại học người Đài Loan, tên Tiểu Nguyên, mở lớp dạy cho các phụ nữ lấy chồng Đài Loan nói tiếng Hoa và hiểu biết về pháp luật và xã hội Đài Loan để có thể lo cho con cái, tự bảo vệ quyền lợi, và tăng triển vọng hội nhập.

 

Qua những lớp như vậy, các phụ nữ ngoại quốc dần dà ý thức được quyền và trách nhiệm của họ. Cuối năm 2003 họ cùng nhau thành lập hội TASAT, có chi nhánh hoạt động ở Đài Bắc và Đài nam.

 

Trong mấy năm qua bọn em cực lắm, vài tháng lại phải dọn văn phòng một lần, Mãn Chi tâm sự.

 

Tôi hỏi tại sao thì cô cho biết là vì không có khả năng trả tiền mướn văn phòng nên phải dùng tạm mỗi chỗ chỉ được vài tháng. Tôi hình dung những chị em ôm giấy tờ, chở bàn ghế chạy văn phòng mà thấy vừa tội nghiệp vừa thán phục.

 

Đường cùng, các chị em nẩy ý tìm sự hỗ trợ của các tổ chức phụ nữ người Đài Loan. đã đến cầu cứu với một tổ chức phụ nữ người Đài Loan. Một trong những hội này đã liên lạc với chủ nhân của building nơi họ đang có văn phòng và giải bày tình cảnh của TASAT. Ông chủ building tử tế này đã cho nhóm TASAT ở Đài Bắc sử dụng một tầng lầu trong building hoàn toàn miễn phí.

 

Nhờ vậy mà từ mấy tháng nay chúng em không phải lo 'chạy văn phòng'. Tuy nhiên nhóm chị em ở Đài Nam vẫn còn khốn đốn, Mãn Chi giải bày với đoàn của chúng tôi.

 

Đoàn chúng tôi gồm có An-Phong và Vinh, hai luật sư của văn phòng BPSOS ở Houston. Hai người này lấy ngày nghỉ để đi cùng tôi một chuyến sang Á Châu-họ muốn tận mắt chứng kiến các hoạt động của CAMSA mà trước đây chỉ được nghe nói tại buổi họp hay đọc qua các bài báo. An-Phong còn dẫn theo cô em gái là Hồng Bích, vừa mới vào đại học, đi để gọi là nếm mùi đời. Chị Jackie Bông, một người hoạt động xã hội từ khi còn ở Việt Nam, cũng nhập đoàn chúng tôi trong mấy ngày do tình cờ cùng có mặt ở Đài Loan vì không lấy được vé máy bay về lại Hoa Kỳ.

 

Chúng tôi được một tổ chức Đài Loan rất thân thiết, đã hợp tác với nhau từ nhiều năm qua, giới thiệu về TASAT. Hỏi ra thì được biết văn phòng của TASAT ở Đài Bắc chỉ cách khách sạn của chúng tôi mươi phút đi bộ, nên rất tiện để chúng tôi ghé thăm.

 

Thoạt tiên chúng tôi định ghé một chút nhưng rồi đã ngồi lại hai tiếng rưỡi đồng hồ say mê nghe chuyện của hội chị em tương trợ này.

 

Ngoài Mãn Chi ra, đón tiếp chúng tôi có cô Ngô Giai Trân, Chủ Nhiệm hội TASAT, người Đài Loan. Trong phòng còn có những nhân viên khác gồm các phụ nữ người Philippines, người Thái Lan và người Kampuchia. Theo hiến chương của hội, ít ra 60% hội viên phải thuộc thành phần phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Đài Loan và vị Chủ Tịch hội bắt buộc phải thuộc thành phần này.

 

Tôi nghĩ bụng, những chị em sáng lập hội đã nhìn xa thấy rộng. Họ muốn tránh tình trạng những người ngoài cuộc mượn danh để rồi lèo lái, nắm trịch. Và tình trạng này đã xảy ra không ít.

 

Trong giọng Nam ngọt lịm, Mãn Chi kể chuyện một cách dí dỏm về động cơ thúc đẩy cô dấn thân. Cô theo chồng sang Đài Loan, được học đại học nhưng phải bỏ dở khi có con. Thế rồi một hôm cô biết được về các lớp học của cô giáo Tiểu Nguyên và đã tham gia học thêm để nâng sự hiểu biết. Cô đã tham gia thành lập hội TASAT từ khi thành lập, vào cuối năm 2003.

 

Thoạt tiên Mãn Chi phải giấu chồng.

 

“Một hôm chồng em xem truyền hình thấy em đứng hàng đầu trong nhóm biểu tình, tay cầm biểu ngữ, miệng hô khẩu hiệu. Chồng hỏi thì em chối là người khác trông giống em đó thôi.”

 

Theo Mãn Chi giải thích, chồng của cô không muốn cô tham gia những việc đấu tranh như vậy vì hoàn cảnh của cô đâu gặp trắc trở gì, cô sống trong sự chiều chuộng của chồng và tình yêu thương của hai người con kháu khỉnh.

 

“Nhưng rồi truyền hình chạy tên em. Thế là em không còn chối được nữa”, Chi vừa kể vừa cười khúc khích, ra vẻ thích thú.

 

Mãn Chi đành phải thú thật và giải thích cho chồng hiểu về tình cảnh khốn khổ của nhiều chị em phụ nữ Việt bị bạc đãi bởi chồng, nhà chồng và cả xã hội Đài Loan.

 

“Mơ cước của các chị em Việt là được tôn trọng nhân phẩm”, Mãn Chi giải thích.

 

Chồng của Mãn Chi mủi lòng và từ đó hết lòng hỗ trợ cho vợ đi tranh đấu.

 

Hội TASAT có ba lãnh vực hoạt động: dạy về xã hội, vận động pháp luật, và đào tạo tự lập.

 

Mỗi Thứ Bảy và Chủ Nhật các thầy cô người Đài Loan thiện nguyện đứng lớp dạy các chị em phụ nữ tiếng Hoa và qua đó hướng dẫn cho họ hiểu biết về đời sống, xã hội, pháp luật.

 

Nhưng hội TASAT không ngưng ở đó. Họ còn dạy cho người Đài Loan  hiểu về và thông cảm với các phụ nữ ngoại quốc lấy chồng Đài Loan hay đang lao động ở Đài Loan, qua bản tin tam cá nguyệt, qua các cuộc họp báo, và qua các biểu ngữ treo nơi công cộng.

 

“Bọn em vận động để xoá bỏ từ 'cô dâu', một từ hạ thấp nhân phẩm. Người ta chỉ làm cô dâu một ngày thôi thì tại sao bọn em phải mang từ này suốt đời? Chúng em hiện nay là công dân hoặc cư dân Đài Loan.”

 

Một nhận xét chí lí.

 

Gần đây các chị em trong hội nẩy ra sáng kiến dùng nghệ thuật sân khấu để thay đổi cách nhìn của người dân Đài Loan. Ngày 12 tháng 12 vừa qua, họ tổ chức buổi trình diễn đầu tiên, ngay tại Đài Bắc. Buổi trình diễn này đã thu hút khoảng 400 người tham dự, trong đó có những giới chức chính quyền cao cấp, thành phần trí thức, và cả một số nhà soạn kịch nổi tiếng. Nhiều người đãkhóc vì cảm động. Một vài nhà soạn kịch đã tình nguyện đỡ đầu và hướng dẫn cho đoàn kịch "tự biên tự diễn" của mấy chị em.

 

Nhờ báo chí đưa tin, hiện nay "đoàn kịch tự biên tự diễn" này đã được mời trình diễn ở hàng chục nơi khắp đất nước Đài Loan trong năm 2010.

 

Chúng tôi ngỏ ý muốn xem thử vài đoạn kịch. Cô Giai Trân nhanh nhẩu đi tìm dĩa DVD ra chiếu. Trong số diễn viên tôi thấy có cả Mãn Chi và các chị đang làm việc trong văn phòng, mỗi người thủ một vài vai trong các màn kịch hay hoạt cảnh. Không những vậy, còn có cả con cái của họ nữa-mấy em thật xinh xắn, dễ mến trong phần biểu diễn thời trang cổ truyền của mỗi quốc gia. Buổi trình diễn hoàn toàn bằng tiếng Đài Loan.

 

Đúng là “cây nhà lá vườn”. Và tôi nghĩ trong bụng, nếu những ông chồng của các diễn viên trước đây chưa cảm thông thì khi xem chương trình này chắc chắn sẽ thay đổi thái độ và quý mến vợ mình hơn. Rồi tôi nghĩ ngay đến các chương trình chống bạo hành gia đình và chống buôn người của BPSOS ở Hoa Kỳ--chúng tôi cần học hỏi sáng kiến này của các chị em TASAT.

 

Về vận động pháp luật thì hội TASAT đã kết hợp với nhiều tổ chức dân quyền của Đài Loan và đạt được nhiều thành quả trong 6 năm hoạt động. Chẳng hạn, họ vận động thành công để 2.800 chị em người Kampuchia được trở thành công dân Đài Loan mà không phải từ bỏ quốc tịch Kampuchia khi toà đại sứ Kampuchia nhất quyết không hợp tác trong việc huỷ quốc tịch.

 

Năm 2007 họ vận động thành công để chính phủ Đài Loan bỏ điều khoản bắt buộc phải có 420 ngàn đô la Đài Loan trong ngân hàng nếu muốn nhập tịch-đây là một tài sản kếch sù mà ít gia đình nào có được, khiến cho trước đây rất ít người Việt có khả năng nhập tịch Đài Loan. Nhờ chính phủ bãi bỏ điều kiện tài chính này mà hiện nay khoảng phân nửa các phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan đã trở thành công dân Đài Loan.

 

TASAT cũng đã tham gia vận động chính phủ Đài Loan ra luật giải thể các công ty mai mối tư nhân và thay vào đó là tài trợ cho các tổ chức xã hội để cung cấp dịch vụ này. Vì mục đích không phải là lợi nhuận, các tổ chức xã hội gạn lọc rất kỹ lưỡng trong việc mai mối để bảo đảm tính chân chính của cuộc hôn nhân, hướng dẫn cho cả hai bên vợ chồng về tập quán văn hoá của nhau, và theo dõi sau khi cưới gả để kịp thời can thiệp khi cần thiết.

 

“Từ ngày có luật này, không còn các biển quảng cáo 'cô dâu Việt Nam' dọc đường phố Đài Loan nữa”, Mãn Chi giải thích.

 

Quả vậy, tôi không còn thấy những posters quảng cáo khổng lồ, trước đây nhan nhản khắp phố với nội dung hạ phẩm giá phụ nữ Việt Nam nữa, như là “bảo đảm còn trinh”, “nếu không đẻ con trai thì sẽ đổi cho một cô dâu khác”, v.v. Ngược lại, ngày nay khách đến phi trường sẽ thấy dọc các hành lang có trương những tấm biển lớn hướng dẫn người đàn bà ngoại quốc cách thức gọi điện thoại cầu cứu khi cần thiết.

 

Trong kế hoạch đào tạo tự lập, hội TASAT đang thử nghiệm dịch vụ dịch thuật. Họ đã gửi một số chị em phụ nữ Việt có khả năng song ngữ đi học lớp huấn luyện về phiên dịch để được cấp chứng chỉ.

 

“Chúng em sẽ hợp đồng cung cấp phiên dịch viên cho các toà án, các bệnh viện, các cơ quan xã hội”, Mãn Chi giải thích kế hoạch mới này một cách hào hứng.

 

Hội TASAT sẽ trả tiền cho các phiên dịch viên và giữ lại một phần để giúp cho hội có ngân sách sinh hoạt. Đúng là một công ba việc: vừa giúp cho nhiều người Việt ngỡ ngàng vì không rành tiếng Hoa, vừa tạo được thu nhập cho một số chị em phụ nữ, vừa duy trì được hoạt động của hội.

 

Một sáng kiến tuyệt vời. Tôi giải thích cho Mãn Chi và các chị trong hội TASAT rằng ý niệm tự tạo ra thu nhập qua các dịch vụ đang là khuynh hướng ở Hoa Kỳ. Tuy nhiên hiện nay chưa đầy nửa phần trăm các tổ chức bất vụ lợi Hoa Kỳ thực hiện điều này. Như thế nghĩa là hội TASAT, còn rất non trẻ, đã là một trong những hội tiền phong trong khuynh hướng mới này.

 

 

Phái đoàn CAMSA và một số thành viên TASAT, ngày 6/1/10 (ảnh CAMSA)

 

Hội TASAT còn rất chật vật về tài chính. Chỉ mới năm 2009 hội mới có tài khoản để trả tiền cho nhân viên, nhưng cũng không đủ để trả toàn thời gian. Như Mãn Chi chẳng hạn, làm quần quật bất luận ngày đêm, nhưng chỉ được trả lương cho ba ngày một tuần. Còn trong 5 năm trước đó, Mãn Chi và tất cả nhân viên hoàn toàn tình nguyện không lương.

 

Ngân sách của hội TASAT hiện nay là 40 ngàn đến 50 ngàn Mỹ kim một năm cho cả hai chi nhánh, một con số thật khiêm nhường so với những công việc họ thực hiện.

 

“Em đang tự học cách viết đề án xin ngân khoản”, Mãn Chi nói.

 

Tuy nhiên, chủ trương của hội là không nhận quá nhiều tiền từ chính phủ Đài Loan vì không muốn bị lệ thuộc và ảnh hưởng đến thế đứng cần thiết để vận động chính sách.

 

Uy tín và danh tiếng của hội TASAT ngày càng lan rộng. Mới đây, cô Chủ Tịch hội năm 2009, một phụ nữ người Thái, được vinh danh là phụ nữ trong năm của Đài Loan. Và cũng trong năm 2009, Mãn Chi được các tổ chức NGO Hàn Quốc mời sang thuyết trình về phương thức tập hợp và tổ chúc các phụ nữ Việt lấy chồng Đài Loan; họ muốn áp dụng tương tự cho số phụ nữ Việt lấy chồng Đại Hàn ngày càng đông. Điều này cho thấy tầm hoạt động và danh tiếng của hội TASAT đã vươn ra khỏi phạm vi của đất nước Đài Loan.

 

Ước mơ của Mãn Chi hiện nay là tổ chức cho các nhân viên trong hội học Anh Văn để còn giao dịch với các tổ chức quốc tế nhằm học hỏi và hợp tác.

 

“Em nên học luật. Với bản lãnh của em, em có thể ra tranh cử làm dân biểu Đài Loan gốc Việt đầu tiên”, chị Jackie Bông khuyến khích.

 

Tôi ngầm đồng ý với chị Jackie Bông.

 

Và Mãn Chi không phải là người duy nhất. Trong những chuyến viếng thăm Đài Loan trong bốn năm qua, tôi đã gặp nhiều chị em phụ nữ Việt khác từng đứng lên để bênh vực quyền lợi chung, để tương thân tương trợ, và để thay đổi chính sách quốc gia.  Đó là dấu hiệu lạc quan cho cộng đồng Việt ở Đài Loan.

 

Khi về lại khách sạn, đoàn chúng tôi bàn với nhau kế hoạch gây quỹ để hỗ trợ cho Mãn Chi và hội TASAT. Với một ngân khoản thật khiêm tốn là 40-50 ngàn Mỹ kim một năm mà họ làm được thật nhiều điều nghĩa ích. Nhưng thật lạ, cộng đồng ngưòi Việt ở hải ngoại chẳng ai biết về họ cả.

 

Tối hôm ấy tôi gửi email xin tiền. Một thân hữu hứa cho 5 ngàn Mỹ kim với điều kiện tôi phải gây quỹ thêm 5 ngàn. Tôi tự nhủ, bằng mọi cách phải thực hiện điều này, để ít ra giúp cho một số nhân viên TASAT được trả lương 5 ngày một tuần. Với khả năng tài chánh và tấm lòng của người Việt ở hải ngoại, 5 ngàn Mỹ kim không phải là điều quá to tát.

 

Mọi đóng góp cho TASAT, xin gửi về:

 

BPSOS - TASAT

PO Box 8065

Falls Church, VA 22041 USA

 

 

 

 

   

 

Posted on Wednesday, January 13 @ 09:29:44 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Chống Buôn Người
· News by ngochuynh


Most read story about Chống Buôn Người:
Công Nhân Việt Ở Jordan Được Cứu

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Chống Buôn Người


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang