Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27811293
page views since June 01, 2005
MS89 - 12/09: Đồng Khí Tương Cầu

Truyện Ngắn

Hưng Yên

Bệnh gì mà bệnh ác ôn khiến hai vợ chồng phải vào nằm bệnh viện cùng một ngày, chỉ trước sau nhau có vài tiếng đồng hồ. Câu chuyện là như thế này:  Bà xã tôi đã bệnh từ mấy tuần trước, bà ấy cũng đã đi bác sĩ và cũng đã được bác sĩ  khám bệnh  rồi cho toa về mua thuốc uống, nhưng bệnh vẫn không thuyên giảm mà có khi lại càng ngày càng tệ hơn. Dĩ nhiên cái này không thể đồ thừa là tại bác sĩ được, vì nếu bác sĩ chữa bệnh nào cũng khỏi thì làm gì còn có người chết vì bệnh nữa, phải thế không cơ? Thề thì chỉ tại bà xã tôi chưa gặp thày gặp thuốc thôi!

Thế rồi mới khoảng chưa tới 5 giờ sáng ngày hôm ấy, đúng là ngày thứ Hai 07/9/2009 - ngày Labor Day - tôi đang nằm lơ mơ nửa thức nửa ngủ – già rồi nên ngủ ít lắm – thì nghe tiếng bà xã từ trong restroom gọi giật giọng: Ông nội! Ông nội! Vợ chồng già ở với con, với cháu thì kêu nhau là ông nội, bà nội là phải rồi. Tôi bật dậy, tông cửa restroom chạy vô thì thấy bà ấy đang nằm dài trên nền nhà, hoá ra là vừa vào restroom, thấy trong người khó chịu quá, bà ấy mới kêu được hai tiếng: Ông nội, ông nội, là ngất đi luôn.  Hoảng quá, tôi ngồi xuống ôm bà ấy lên, nhưng sao nặng thế này? Bình thường vẫn ôm bà ấy hoài, không thấy nặng, mà sao hôm nay nặng khủng khiếp! Người cứ rũ xuống, mắt đờ ra, cố gắng hết sức cũng không sao kéo bà ấy trở lại phòng ngủ được, buộc lòng tôi phải vừa đập tay vào tường vừa kêu om lên, lát sau hai vợ chồng thằng con mới hốt hoảng từ trên lầu chạy xuống. Tôi bảo chúng gấp rút bấm nai uân uân (911) kêu xe cứu thương tới đưa mẹ vô bệnh viện. Thế là chỉ chưa đầy 5 phút sau đã có một xe cứu hoả và một xe cứu thương tới đưa bà xã tôi vô Fresbyterian Hospital. Tôi ngồi bên cạnh tài xế xe cứu thương, còn thằng con tôi lái xe chạy theo sau.



Đến khoảng hơn 9 giờ sáng, vợ chồng đứa con gái nghe tin mẹ bệnh vô thăm. Lát sau anh con rể chở tôi về nhà làm vệ snh cá nhân, thay quần áo rồi lại chở tôi quay lại bệnh viện. Tôi định ở lại bệnh viện với bà xã tới chiều, trông nom bả thay cho thằng con trai, chứ sáng sớm nay quýnh quáng quá cả hai bố con có kịp rửa mặt đánh răng hay làm gì đâu. Không ngờ quay lại tới bệnh viện thì tôi chóng mặt quá không còn đứng lên được nữa.  Nhân viên bệnh viện vội lấy cái xe lăn để tôi lên đẩy vào phòng cấp cứu. Thế là tôi đang là người đi nuôi bệnh nay trở thành bệnh nhân luôn mà bệnh tình tôi có khi còn trầm trọng hơn hơn bà xã tôi nữa. Trong 4 ngày nằm bệnh viện, từ sáng thứ Hai cho tới chiều thứ Năm xuất viện, phòng tôi và phòng bà xã tôi sát nhau, bà ấy sang thăm tôi được mấy lần còn tôi cấm có sang thăm bà ấy được lần nào, có đứng lên được đâu mà… Bốn ngày nằm bệnh viện thì hai ngày đầu, thứ Hai và thứ Ba thật là khủng khiếp. Nhắm mắt lại thì thôi, cứ mở mắt ra là thấy nhà cửa quay cuồng. Khi được đỡ cho ngồi dậy thì có cảm tưởng như mình đang ngồi trên một con thuyền nhỏ mà con thuyền này lại đang ở trên mặt nước có sóng to gió lớn nhồi lên nhồi xuống, lắc qua lắc lại khiến tôi chỉ muốn nhào đầu ra khỏi thuyền, lại buồn ói không chịu được, thế là lại vội bảo cho mình nằm xuống. Thậm chí đi tiểu cũng phải nằm mà đi. Còn đi tiêu thì bốn ngày nằm bệnh viên không đi lần nào, may quá! Mãi đến chiều thứ Năm, khi sắp xuất viện, mới nhờ được nhân viên bệnh viện cho ngồi lên cái xe lăn rồi họ đẩy sang phòng bà xã tôi cho tôi thăm và nói chuyện với bà ấy một lát. Mọi người kể cả bác sĩ với y tá khi biết bệnh nhân hai phòng sát nhau là vợ chồng thì đều kêu lên: Oh, my God!

Mà lạ lắm nhé, lần nào cũng vậy, cứ như là tôi bị bệnh “ăn theo” ấy. Nói như thế có nghĩa là không phải tự dưng mà tôi bị bệnh, hay là tự tôi phát giác ra bệnh của tôi mà lần nào cũng có dính líu tới bà xã tôi cả. Lần vào bệnh viện này thì như tôi đã kể rồi đấy, còn hai lần trước, cái đận phát giác ra là tôi bị cao máu – nói cho có vẻ chữ nghĩa một tí thì kêu là hight blood presser – thì nó như thế này: Nguyên là thằng con trai tôi bị bệnh, nó đi khám bác sĩ, ông bác sĩ bảo nó phải mua một cái máy đo áp huyết để thỉnh thoảng đo xem áp huyết của mình cao thấp thế nào? Thằng con trai tôi mua cái máy đo áp huyết đã mấy tháng nay để ở nhà, nó đo cho nó, thỉnh thoảng đo cả cho mẹ nó nữa. Mấy lần đầu bà ấy còn bảo thằng con đo hộ, sau thì bà ấy tự đo lấy. Một lần tự đo áp huyết cho mình xong, thấy tôi đứng sớ rớ, bá ấy bắt tôi đưa tay cho bà ấy đo thử. Thú thật mấy cáo trò “lẩm cẩm” này tôi không thích. Chẳng thà bệnh đi bác sĩ, nơi phòng khám bệnh bác sĩ hay y tá đo gì thì đo, chứ tự nhiên bảo lấy máy ra tự đo áp huyết cho mình thì tôi chẳng… rỗi hơi.

Hôm ấy, chả biết là ngày gì mà tôi lại ở nhà, không đi làm. Thế nên, đo áp huyết cho mình xong, thấy tôi đứng sớ rớ bên cạnh, bà ấy mới bảo tôi đưa tay cho bà ấy đo thử. Hồi ấy là vào năm 1996 hay 1997 gì đó tôi không nhớ chính xác lắm và gia đình tôi còn ở New Orleans, tiểu bang Louisiana cơ. Tôi cưới bà xã năm 1958 đến năm 1996,1997 đã là 39, 40 năm. Ở với nhau tân ấy năm rồi, tôi còn lạ gì tính bà ấy nữa, dai nhách! Bảo đưa tay cho bà ấy đo mà không đưa là không xong đâu, thế là tôi đưa tay ra cho bà ấy muốn làm gì thì làm.  Má ơi! Máy đo cho ra hai con số 200/125. Người ta bảo áp huyết người nào có số đo 120/80 là perfect, còn giả thử có trên hoặc dưới hai con số này một tí cũng không sao, chứ số trên từ 145, số dưới từ 100 trở lên là cao quá rồi, thế mà của tôi lại những 200/125. Nhìn thấy hai con số này, bà xã tôi rối rít tít mù lên, bắt tôi lái xe đưa bà ấy ra phòng mạch bác sĩ ngay. Từ nhà tôi đến phòng mạch bác sĩ, lái xe không quá 10 phút, nhưng vì không lấy hẹn trước nên phải đợi đến khi gặp được bác sĩ cũng mất đến gần 2 tiếng đồng hồ. Ông bác sĩ này đã biết tôi, bởi vì lần nào bà xã đi bác sĩ mà tôi không phải  đưa đi bởi vì bả có biết lái xe đâu, thành thử tôi đã có hân hạnh được nói chuyện với ông bác sĩ này mấy lần thành ra quen, chứ từ ngày sang Mỹ đến hôm đó tôi có bịnh hoạn gì đâu mà phải đi bác sĩ. Nhìn vào tờ hồ sơ mà cô y tá đã cân, đo, đong đếm ở bên ngoài trước khi đưa tôi vào phòng khám ngồi chờ bác sĩ, ông bác sĩ hơi khựng khựng sau đó ông đo lại áp huyết tôi một lần nữa rồi nhìn tôi hỏi:
- Ông thấy trong người làm sao?
Tôi trả lời:
- Tôi có thấy làm sao đâu, bà xã tôi đo áp huyết cho tôi rồi bắt tôi phải đi bác sĩ ngay!
Ông bác sĩ lại hỏi:
- Thế ông chưa đo áp huyết bao giờ à?
- Nhà có máy đo áp huyết của thằng con, nhưng tôi thấy trong người không có gì khác lạ nên không đo.
Ông bác sĩ nói chậm rãi:
- Áp huyết ông cao lắm, người bình thường đột ngột mà áp huyết lên cao thế này là đứt mạch máu chết tươi rồi. Riêng ông vẫn không cảm thấy gì, có lẽ ông bị cao áp huyết đã lâu, nhưng nó lên từ từ thành ra ông chịu đựng lâu ngày thành quen, nhưng ông phải uống thuốc ngay thôi, không thể chần chờ thêm được nữa, nguy hiểm lắm!

Thế là từ hôm đó tôi trở thành người có bệnh cao áp huyết và phải uống thuốc thường xuyên. Lúc đầu chỉ uống mỗi ngày 1 viên, ít năm sau tăng lên thành mỗi ngày 2 viên, cho đến hôm nay là sau hơn mười năm, tôi không còn ở tiểu bang Louisiana nữa và cũng đã thay đổi đến ba ông bác sĩ thì thuốc cao máu một ngày tôi đã uống đến 3 viên mà là của ba thứ thuốc có tên khác nhau. Nhiều khi lẩn thẩn ngồi nghĩ: Giá hôm đó bà xã tôi đừng bắt tôi phải đưa tay cho bà ấy đo thử thì tôi có phải uống thuốc cao máu không nhỉ, và cũng không biết cho tớí bây giờ thì tôi đã ra sao rồi?!

Gia đình tôi tới Mỹ cuối năm 1990 theo diện HO, HO4. Đếm đốt ngón tay đến nay đã 19 năm. Ở Mỹ 19 năm thì bà nhà tôi bệnh hết hơn 18 năm, mà lại là bệnh tiểu đường nữa mới tai hại chứ. Chả biết có đúng không, nhưng người ta bảo hễ người nào bị tiểu đường thì thế nào cũng kèm theo bệnh cao máu, mà quả có thế thật, bà nhà tôi đã bị cả tiểu đường lẫn cao máu!

Cái lịch sử bệnh tiểu đường của bà xã tôi nó như thế này: Ngày mới qua Mỹ gia đình tôi ở Amelia thuộc Mogan City, tiểu bang Louisiana. Ở đây đa số người Việt Nam mình thường thì đàn ông làm nghề thợ hàn, còn đàn bà làm nghề cắt ghẹ (cắt ghẹ là cắt những con ghẹ đã được hấp chín ra moi lấy thịt). Bà xã tôi theo người ta đi cắt ghẹ được mấy tháng thì gia đình tôi lại “mu” đến thành phố New Orleans, ở trong khu Verseille tục gọi là Vực Sâu. Đến đây bà xã tôi lại theo người ta đi cắt ghẹ nữa, nhưng mới được chừng hơn tuần lễ thì bệnh, bệnh lê lết. Khật khừ đến cả tháng, các loại thuốc cảm cúm, đau nhức thông dụng như Tylenol, Advil, Motrin, Aspirin Aleve…đều có uống cả nhưng bệnh vẫn không khỏi. Trước 1975 bà xã tôi khoẻ lắm, có thấy bệnh hoạn gì mấy khi đâu. Chỉ từ sau 1975, chồng đi tù cải tạo rồi, bả ở nhà một nách 4 đứa con dại nên mới phải lặn lội đi những Đầm Dơi, Cái Nước, Châu Đốc, Cà Mau, buôn chui bán lén kiếm tiền đong gạo nuôi con nên sức khoẻ mới yếu dần đi đến nỗi đã mấy lần ốm tưởng chết! Tôi ở tù cải tạo 6 năm 4 tháng thì được về. Về rồi tôi lăn lưng ra làm cật lực: Đạp xích lô, đóng than, làm thợ mộc, thầu xây cất, cuối cùng là mở bàn bi da. Riêng bà xã tôi vừa bán quán vừa làm bắp nổ (với sự góp sức của tôi). Dần dần kinh tế gia đình khá lên, bà ấy không còn vất vả như trước, tuy vậy mà sau sáu bẩy năm cực khổ, ăn uống thiếu thốn, lại mấy lần ốm nặng tưởng chết nên bây giờ không làm sao lấy lại được sức khoẻ bình thường như trước nữa. Sang Mỹ cuộc sống vật chất tuy có khá hơn ở Việt Nam nhưng làm lụng cũng không phải là không vất vả.

Bà nhà tôi ốm khật khừ cả tháng, tôi nghĩ bụng thể lực bà ấy tệ quá rồi mà thuốc Tây chỉ thích hợp với những bệnh cấp thời chứ muốn tăng cường thể lực lâu dài chắc phải dùng tới thuốc Bắc mới xong. Nhớ lại ông nội tôi kể chuyện, ngày còn trẻ cụ cũng bị bệnh một chuyến tưởng chết. Mà vào thời ấy, ở nhà quê ngoài Bắc đã làm gì có thuốc Tây thế nên cụ chỉ uống toàn thuốc Bắc. Bệnh ông nội tôi không biết kéo dài bao lâu mà cho tới khi cụ  khỏi bệnh, bã thuốc Bắc chứa đầy một bồ. Khỏi bệnh rồi lấy bã thuốc nấu nước tắm, tắm hết một bồ bã thuốc, ông nội tôi khoẻ một lèo cho tới 94 tuổi mới mất.

Vợ chồng bàn nhau bỏ thuốc Tây sang uống thuốc Bắc, thế là tôi dẫn bà vợ tôi tới một vị Đông y sĩ mà theo như ông thày quảng cáo trên báo thì ông là số 1. Đã mấy đời nối nghiệp Đông y lại thủ đắc toàn những toa thuốc gia truyền của các bậc danh y tiền bối. Ông đã “chuyên trị” mấy chục thứ bệnh, lại còn “đặc biệt” chữa được thêm mấy chục thứ bệnh khác nữa. Nói một cách ngắn gọn là bệnh gì thày cũng chữa được. Ông thày bắt mạch cho vợ tôi, vạch mí mắt bà ấy ra coi, bắt há mồm lè lưỡi cho ông coi xong mới gật gù phán: “Nóng gan, nóng tim, suy thận, nhưng không sao, cắt cho mấy toa thuốc về sắc uông là khỏi!”. Tôi kính cẩn ngồi nghe thày phán, lòng tràn trề hy vọng.

Các cụ ta ngày xưa bảo: “Cơm ba bát, thuốc ba thang”, có nghĩa là cơm phải ăn ít nhất ba bát mới thấy “lửng” dạ còn thuốc thì phải uống ít nhất ba thang mới thấy hiệu quả, thế nên thày cắt cho bà xã tôi một lúc 7 thang thuốc luôn, thày bảo: “Uống hết mấy thang thuốc này tôi cắt thêm cho 3, 4 thang thuốc bổ nữa là khoẻ như vâm ngay”. Nghe thày nói tôi nừng lắm, đem thuốc về hì hục sắc cho bà xã tôi uống ngay. Uống ba ngày hết 3 thang thuốc mà bệnh đã chẳng thuyên giảm chút nào có khi lại còn tệ hơn. Tôi cố cho bà ấy uống thêm một ngày thuốc Bắc nữa thì bà ấy đứng lên không nổi. Hoảng quá tôi dìu bà xã ra xe chở thẳng đến phòng mạch bác sĩ năn nỉ y tá cho vào gặp bác sĩ ngay với tính cách emergency. Sau khi  khám xong bác sĩ bảo: “Bà ấy bị bệnh tiểu đường nặng lắm, tôi cho bà ấy tờ giấy giới thiệu, ông phải chở bà ấy đến nhà thương Charity ngay”! Thế là                   
Bà xã tôi bị bịnh tiểu đường từ ngày ấy (chứ có biết bị từ bao giờ đâu?)

Bà xã tôi bị bệnh tiểu đưởng, thời gian đầu uống thuốc, sau bệnh càng ngày càng nặng bác sĩ bắt phải chích insulin, cho đến nay một ngày ba ấy đã phải chích 4 mũi insulin. Sáng ngủ dậy chích 2 mũi, trưa 1 mũi và tối 1 mũi. Còn lấy máu ở đầu ngón tay ra thử thì ngày 3 lần mà mỗi lần thử lại phải ghi vào giấy cẩn thận, để cứ 3 tháng một lần đến ngày hẹn đến bác sĩ chuyên khoa khám lại, bác sĩ cho tăng hay giảm lượng thuốc chích là tuỳ theo kết quả ghi trong tờ giấy thử máu hàng ngày.

Tôi chính thức nghỉ hưu giữa năm 2006, giá mà muốn tiếp tục đi làm nữa thì cũng vẫn cứ được, vì ngoài bệnh cao máu đã phát giác ra do bà xã tôi bắt đưa tay cho bả đo thử gần 10 năm trước thì tôi có bệnh gì tật gì khác đâu? Vẫn ăn khoẻ, ngủ khoẻ, nhưng thú thực tôi chán đi làm lắm rồi! Gần cả cuộc đời: 2 năm làm nghề Godautre, gần 15 năm làm lính, 6 năm 4 tháng tù caỉ tạo lao động khổ sai, ra tù lại 9 năm sống dưới chế độ xhcn ưu việt nên cầy cật lực, sang Mỹ lại vẫn tiếp tục đi cầy. Đủ 65 tuổi cộng thêm 4 tháng được về hưu thì về đi thôi chứ còn tiếc nuối gì nữa? Thế là tôi vui vẻ về nhà đuổi gà cho vợ và vui thú điền viên. Nói là “đuổi gà cho vợ” với “vui thú điền viên” cho nó hách vậy chứ gà đâu mà đuổi, điền viên đâu mà vui thú? Chẳng qua “nổ” một tí cho vui chứ sau nhà chỉ có một dẻo đất bằng cái bàn tay, xới lên trồng được mươi gốc cà chua, một liếp rau đay, môt liếp rau cải, thêm mấy cây ớt với một ít rau thơm… Ngoài ra còn một nhiệm vụ phụ nữa là đưa, đón mấy đứa cháu đi học, có vậy thôi nên thì giờ rảnh nhiều lắm, thế là tôi lại với cái computer, ngồi viết lách lăng nhăng.

Mới “thong dong tự tại” được khoảng hơn nửa năm thì một sớm mai thức dậy tôi thấy sao bả vai bên phải đau quá, nó đau một cách kỳ cục khó chịu vô cùng. Thêm vào đó cánh tay phải gần như muốn liệt, cử động rất khó khăn. Nghĩ là bị gió máy gì đây, tôi nhờ bà vợ cạo gió rồi dán cao salonpas, rồi uống thuốc giảm đau Tylenol, Advil… mấy ngày cũng không đỡ. Có người mách bịnh này chỉ có thày châm cứu mới trị được, thế là tôi đến thày châm cứu. Cả tuần lễ, hết châm tay đến châm điện cũng chả ăn thua, tôi bèn trở về với ông bác sĩ gia đình. Ông bác sĩ cho chạy điện, rồi massage, rồi chích thuốc, uống thuốc… quanh đi quẩn lại mấy tuần lễ mới giảm được chừng 3, 4 chục phần trăm. Thế rồi bệnh này chưa hết bệnh khác đã đến rồi, càng ngày tôi thấy mình càng mệt mỏi, ăn ngủ không được, đôi lúc cảm thấy như hơi bị sốt, đi tiểu nhiều, khát nước, một lúc “quất” cả chai coca cola mà vẫn cứ khát. Muốn đi bác sĩ thì phải lấy hẹn chứ có phải muốn đến lúc nào là đến được đâu? Với lại lúc ấy cũng đã tối rồi, phòng mạch bác sĩ nào còn mở cửa nữa? Thế là bà xã tôi - lại bà xã tôi - nhân tiện  vừa thử lượng đường trong máu của bả để ghi vào giấy xong, bà ấy bảo tôi: “Ông đưa tay đây, tôi thử máu xem thế nào?!”

Cũng cần phải nhắc lại là bà xã tôi bị cả hai thứ bệnh tiểu đường, cao máu đã từ mười mấy năm nay nên trong nhà máy đo áp huyết, máy thử đường trong máu (One Touch Ultra) đều có và bà ấy “quản thủ” hai thứ này. Ngoài ra người bị bệnh tiểu đường phải tự chích, tự thử máu lấy, bất đắc dĩ lắm mới phải nhờ đến người khác. Vì thế mà chích insulin hay trích huyết ở đầu ngón tay ra để thử bà ấy đều rất… chuyên trị.

Nghe bà xã ra lệnh; “Ông đưa tay đây, tôi thử máu xem thế nào” tôi cũng ơn ớn! Ịn một đầu cái One Touch Ultra Soft vào đầu ngón tay, bấm đến tách một cái, một mũi kim nhỏ bật ra châm vào đầu ngón tay rồi nặn máu ra thử, như thế chắc phải đau chứ?! Ớn nhưng mà cãi không được, với lại mình đang bệnh mà, nhỡ mà tiểu đường thật thì sao? Thế là tôi đưa tay cho bà xã muốn làm gì thì làm. Lát sau nghe đến “nhốt” một cái ở đầu ngón tay, mấy giây sau lại nghe bà ấy kêu lên: “Trời ơi, đường cao thế này, thảo nào!” Con số hiện ra ở mặt máy là 500, người ta 200 đã là cao, tôi những 500!

Lạp tức bà xã tôi ra lệnh cho thằng con lấy xe đưa tôi vào nhà thương ngay, lúc ấy đâu cũng khoảng hơn 9 giờ tối. Cú này tôi nằm nhà thương hết 3 ngày, ngoài thuốc uống, bệnh viện còn sang cho tôi hết 9 bịch nước biển. Thế là tôi cũng bị tiểu đường như bà xã, nhưng không phải chích insulin, chỉ uống thuốc thôi. Cho tới hôm nay, ngồi viết bài này, mỗi ngày tôi phải uống 3 loại thuốc tiểu đường khác nhau, gồm cả thảy 6 viên thuốc. Lần đó sau 3 ngày nằm viện, xuất viện rồi tôi còn phải trở lại bệnh viện mỗi tuần 2 lần, mỗi lần 30 phút, vào Gim tập chữa đau vai và cánh tay mất gần 4 tháng. Đến nay cánh tay phải của tôi tuy chưa được hoàn hảo như xưa, cầm đũa, cầm bút viết còn lạng quạng, nhưng… “mổ cò” trên cái bàn phím computer thi ngon lành. 

Tôi năm nay đúng 70 tuổi còn bà xã mới… 66, như thế là tôi “lớn” hơn bả, tôi đàn ông là “dương” còn bả đàn bà là “âm”. Vậy nếu nói theo định luật hấp dẫn của Newton: “lớn” hấp dẫn “nhỏ”, “dương” hấp dẫn “âm” thì bả  phải chạy theo tôi mới phải, thế mà đàng này tôi lại cứ phải chạy theo bả như đèn cù, ngay cả bệnh cũng phải ở diện…ăn theo. Chứng minh rõ nét nhất là cái đận nằm bệnh viện vừa rồi, tôi rõ ràng là người đi nuôi bệnh, thế mà phút chót lại trở thành bệnh nhân mà lại bệnh nặng hơn bả nữa! Nói ra sợ mang tiếng là “ăn cơm mới nói chuyện cũ” chứ không phải bây giờ mới thế đâu, mà ngay từ ngày còn trẻ cơ, mới gặp mặt bả lần đầu là tôi đã… “điện đảo” rồi.

 Suy nghĩ mãi tôi lại thấy đem định luật hấp dẫn của Newton chứng minh cho tình trạng của tôi và bà xã tôi là không đúng, mà phải nói tôi với bà xã tôi là: “Đồng khí tương cầu” mới đúng. Đồng khí tương cầu có nghĩa là: Những người có ý chí giống nhau thì tìm đến kết hợp với nhau. Chả thế mà tôi đã nhiều lần nói thầm vào tai bà xã: Kiếp sau, nếu có kiếp sau, thì anh lại sẽ tìm đến để xin bàn tay mình nữa!                                      

Posted on Thursday, November 05 @ 12:46:05 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly

 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang