Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27810557
page views since June 01, 2005
MS78 - 01/09: Tuổi Già Nên Ở Hay Về

Truyện Ngắn 

Cao Thọ Mân

Mùa lễ luôn bắt đầu vào tháng 11 dương lịch hàng năm. Nào là lễ Tạ Ơn rồi Giáng sinh và Tết dương lịch. Dẫu cho kinh tế đang khó khăn, nhưng trong lòng mọi người vẫn cứ dạt dào niềm vui chờ đón niềm hạnh phúc của những tiệc tùng vui vầy đầm ấm bên gia đình đoàn tụ yêu thương. Và bàng bạc đâu đó trong không khí lành lạnh ngoài trời, dòng nhựa sống đang dâng trào trong vạn vật tỏa vào không gian mênh mông một mùi hương lâng lâng. Thứ mùi hương mà ai ai cũng không nhận ra được bằng thính giác nhưng đều cảm nhận được đó là hương Xuân. Nói như thế có lẽ không hợp lý lắm bởi vì những tháng cuối năm như thế này vẫn còn là mùa Thu. Ở quê nhà bây giờ là mùa Ðông, và khi mùa giá rét hắt hiu này ra đi, mùa Xuân ấm áp rộn ràng đến thật đúng lúc làm sao.



Mùa Xuân của đất trời cứ tuần hoàn ra đi rồi trở lại nhưng mùa Xuân của đời người chỉ đến một lần rồi ra đi mãi mãi. Trong lòng những người với tuổi đời chồng chất, nỗi buồn cho cuộc bể dâu ngày càng nặng trĩu, và nhất là mỗi độ Thu đi Ðông đến, càng chạnh lòng khi nghĩ đến mùa Ðông của đời mình dẫu đã từng thấu hiểu lẽ tự nhiên sinh tử mất còn của thế gian. Ðối với lớp người Việt cao niên ở xứ người, nhất là những ai gặp nhiều trở ngại không hội nhập được vào đời sống nơi đây, buồn phiền vì thất thế lạc lõng ngoài đời chẳng nói gì, ngay trong gia đình có khi càng thấy cô đơn đau khổ hơn do sự xa cách vô tâm, thậm chí hất hủi phũ phàng của con cháu.

Trước đây một doanh gia người Việt nọ làm ăn giàu có phát đạt, cơ ngơi to lớn sang trọng ở miền Ðông Hoa Kỳ, đã từng tổ chức lễ thượng thọ cho song thân rất lớn. Ðặc biệt vì muốn làm cho cha mẹ vui, ông còn gởi thư mời tất cả những cụ cao niên sinh cùng tháng với cha mẹ ông đến dự sinh nhật, tất cả chi phí vé máy bay và tiền ăn ở khách sạn đều được đài thọ chu đáo. Làm con có hiếu như thế thật ít có và hai cụ ông cụ bà này cũng thật có phước không mấy ai bằng. Một bà cụ ở Georgia có con cái học hành đỗ đạt, làm ăn khấm khá, lại hết lòng hiếu thảo với mẹ. Bà cụ khi thì ở nhà đứa này, khi nhà đứa khác, có lúc lên chùa ở lại làm công quả vài ngày, ở đâu cũng được trân trọng thương quý; chính bà cụ đã từng xin tiền con cái đem về xây giếng, làm đường cho làng cũ bên nhà. Trong những trường hợp trên đây chắc chắn không ai nghĩ đến chuyện hồi hương, mà chỉ muốn về thăm làng xóm, giúp đỡ bà con thân nhân rồi lại trở qua Mỹ hưởng phước với con với cháu.

Dường như chuyện buồn của các cụ ông cụ bà kém may mắn ở hải ngoại chiếm đa số so với các trường hợp hạnh phúc vừa kể trên đây. Có lắm người quá khứ là những ngày tháng cơ khổ nuôi con bên quê nhà, nay sang Mỹ vẫn phải vất vả làm 2 công việc để tiếp tục nuôi con. Sáng phải thức dậy từ sớm để đi làm đến mãi tận khuya mới về nhà, đầu tắt mặt tối không cả thời gian giải trí, ngay cả khi ngủ cũng không đủ. Ðã thế lắm lúc lại còn bị hãng xưởng sỉ vả, chà đạp vì thất thế do ngôn ngữ không thông, trình độ kỹ thuật không có, nên đành cúi đầu nhẫn nhục cho qua ải mong có ngày con cái lớn khôn thành đạt nên người nuôi lại để mình được an hưởng tuổi già. Nhưng chuyện đời giàu sang có số, sung sướng có phần, con lập gia đình sinh cho bầy cháu nên cũng vui lòng nhận thêm cái công việc giữ trẻ không lương gọi là thương con cho trót. Ai ngờ đâu dâu rể không thuận thảo, tuy lòng không chấp nhất nhưng nhiều khi lời ăn tiếng nói đêm nằm nghĩ mà đau lòng ứa nước mắt. Ở lại thì vui ít buồn nhiều, lắm lúc con đi làm, cháu đi học, cảm thấy cô đơn quạnh quẽ như tù biệt giam. Về bên nhà lại sợ làm khổ đám con nghèo khó, đành gượng ở lại dành dụm chút tiền già, tiền bệnh gởi về giúp con. Ngay cả thỉnh thoảng về Việt Nam thăm mấy đứa còn ở lại bên nhà mà lòng cũng xôn xao muốn về. Ở chơi dăm ba tháng lại lo bên này con cái vất vả; thêm vào đó là nhớ đám cháu ở đây, đúng là một quê hai cảnh, trời không chiều lòng người chút nào.

Nói về đời sống người già ở Mỹ mà không nói đến viện dưỡng lão là một điều thiếu sót bởi có không ít những câu chuyện thương tâm đã xảy ra ở đó. Trước khi con cái đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão thì đã có những chuyện không hay dẫn đến xung đột xảy ra trong gia đình. Các cụ ông cụ bà đã phải trải qua một thời gian đầy buồn phiền vì những xung đột đáng tiếc này bất kể do lỗi của con cái, dâu, rể hay một phần bởi các cụ. Khi đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão như một sự ghét bỏ thì làm gì có chuyện lui tới thăm viếng đều đặn. Và rồi các cụ phải gặm nhấm những nỗi buồn đau và trách hận con cái bất hiếu và vô ơn mỗi khi nhớ về những tháng ngày gian khổ hy sinh cho chúng để rồi có được kết cục cười ra nước mắt ngày hôm nay. Cũng có khi con cái hiếu thảo nhưng quá chật vật vì miếng cơm manh áo không thể săn sóc chu đáo cho cha mẹ. Ở trường hợp này, việc đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão là một quyết định rất khổ tâm: đưa đi thì lòng ray rức, để ở lại mà lỡ có chuyện gì không hay xảy ra cho các cụ lúc ở nhà một mình thì sẽ ân hận suốt đời, thậm chí còn phải chịu trách nhiệm trước pháp luật nữa. Bên cạnh đó, vì vất vả trong công ăn việc làm và bận bịu với con cái thì đâu có thời gian đến viện dưỡng lão để thăm cha thăm mẹ thường xuyên, thế là các cụ suốt ngày canh cánh trong lòng niềm thương con với nỗi nhớ con nhớ cháu. Một ngày so với các cụ cũng giống như một tháng vì không được quay quần bên con cháu để yêu thương và xem chúng lớn khôn.

Trước nỗi buồn phiền, cô đơn, đau khổ chồng chất mà các cụ đã trải qua hoặc nhìn gương của bạn bè khiến các cụ trở nên lo sợ hơn. Một số cụ có con cháu ở Việt nam ăn nên làm ra lại khá hiếu thảo nên đã lo dành dụm dăm ba đồng để đi đến quyết định về Việt Nam sinh sống. Và thế là các cụ khăn gói hồi hương tạ từ xứ sở Hoa Kỳ. Nói một cách công bằng là xứ sở này đã từng giúp các cụ an cư lạc nghiệp, con cháu học hành thành tài và làm ăn khấm khá, ngay cả việc dành dụm tiền gởi về bên nhà giúp đỡ bà con thân nhân. Không thấy ai thử tổng kết bao nhiêu phần trăm các cụ cao niên về nước sống vui vẻ hạnh phúc trong những ngày còn lại của cuộc đời mình nhưng qua tin đồn góp nhặt đây đó bên cạnh những tin vui vẫn có những mẩu chuyện nghe kể lại mà thật đau lòng.

Một vài cụ ông cụ bà có con cái học hành đỗ đạc, thăng tiến trong nghề nghiệp, kinh doanh thành công, và đặc biệt biết ghi nhớ công ơn bậc sinh thành dưỡng dục thì rất lấy làm tự hào và hãnh diện. Bên cạnh đó, con cái còn ở lại Việt Nam cũng được sung túc đầy đủ nhờ vào tài xoay xở làm ăn cộng thêm chi viện giúp đỡ của anh chị em bên Mỹ. Các vị này ở lại đây vẫn sung sướng nhưng tận đáy lòng luôn canh cánh nghĩ về bạn bè người quen, nhớ làng xưa phố cũ. Thêm vào đó là không muốn nằm xuống nơi đất khách quê người quạnh quẽ và xa lạ nên bàn tính với đám con bên này lo chuyện gởi tiền chu cấp, sắp xếp với mấy đứa bên nhà nơi ăn chốn ở để một ngày đẹp trời nào đó lên đường áo gấm hồi hương. Chuyện những người có nhiều phước hạnh như vầy không cần phải nói thêm làm chi bởi vì dù họ ở đâu đi nữa cũng cảm thấy vui sướng và hạnh phúc. Có muốn đi qua lại Mỹ hay trở về Việt Nam thăm con cháu cũng dễ dàng. Kém một bậc nhưng cũng vào hàng khá là trường hợp các cụ không sống hòa hợp được với con cái dâu rể bên này nhưng có dành dụm được một món tiền kha khá đủ để dưỡng già và cho con cháu bên nhà chút đỉnh. Nhờ đám con ở Việt Nam có lòng hiếu thảo lại có được một món tiền kha khá để dành nên các cụ quyết định về Việt Nam sinh sống và hưởng tuổi già là thích đáng.

Chỉ tội nghiệp cho những cụ không tiền không bạc. Vì nghèo nên ở với con với cháu nhưng hay bị chúng nói nặng nói nhẹ. Không những buồn chuyện con cháu trong nhà mà còn xa lạ với kẻ không đồng ngôn ngữ ngoài đường nên lại cảm thấy cô đơn và buồn bã hơn. Vì lý do này nên các cụ quyết định hồi hương về Việt Nam sinh sống với hy vọng được sống vui vẻ những ngày tháng còn lại của cuộc đời mình. Ai có ngờ được sự thật lại trớ trêu và phũ phàng hơn. Vì ở xa con cái quá lâu nên không hiểu và biết rõ hoàn cảnh cũng như tấm lòng của những người con này. Khi về đến nơi thì mới biết sự bạc bẽo và sự bất hiếu của chúng đối với cha mẹ. Thôi rồi tấn thối lưỡng nan, trở về Mỹ không được mà ở lại bên nhà cũng không xong nên đành gánh chịu phiền muộn và đau khổ. Nghe đâu có người cùng đường mà lại không có quốc tịch Hoa Kỳ nên phải chạy vạy, và chắc chắn ai cũng đoán trước cuộc sống của họ sẽ ra sao trong những ngày sau đó: ngượng ngùng, lo lắng, và tủi thân.

Tuy có thoang thoảng không khí của mùa Xuân đang đến nhưng mùa Xuân thật sự phải là mùa Xuân ở trong lòng mình. Nếu lòng mình không vui mà Xuân có đến mấy lần đi nữa thì cũng chỉ vô nghĩa mà thôi. Cảnh Xuân hoa lá xôn xao mà lòng cô đơn lạnh lẽo nỗi niềm Ðông bất quá chỉ làm thêm xót xa tựa như người thất tình thấy tiệc cưới vui vầy, kẻ có tâm sự buồn ngồi nhìn tiệc tùng đàn hát ca vui. Người xưa có nói "thất thập cổ lai hi", đấy chỉ là mừng cho những người Thọ đi với Phước và Lộc mà thôi. Lại nghe nói trong lẽ hiếu đạo sự cung kính khi phụng dưỡng cha mẹ còn quí hơn trị giá của món ngon vật lạ dành cho cha mẹ, âu cũng là lời nhắn nhủ cho những ai đang giữ phận làm con, hãy xử sao cho ngày sau ít ân hận ray rức trong lòng.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Wednesday, December 17 @ 12:59:45 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Truyện Ngắn
· News by ngochuynh


Most read story about Truyện Ngắn:
Nói Chuyện Về Ca Dao Tục Ngữ Việt Nam

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Tuổi HạcTruyện Ngắn


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang