Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27815473
page views since June 01, 2005
MS66 - 01/08: Giới Thiệu Chương Trình HAPI Của UBCNVB

Bạo Hành Gia ĐìnhLại Thái Bình

HAPI viết tắt của Health Awareness Program for Immigrants xin tạm dịch là Chương Trình Ý Thức về Y Tế cho Người Di Dân. Chương trình được tài trợ bởi Robert Wood Johnson Foundation New Jersey Health Initiatives, The Susan G. Komen Breast Cancer Foundation và CareFirst-BlueCross-BlueShield.

Mục tiêu của chương trình là giải thích và huớng dẫn về hai căn bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt Nam, đó là ung thư cổ tử cung và ung thư vú, đồng thời giúp đỡ truy tầm hai bệnh này ở những người di dân Việt Nam không có bảo hiểm hay có lợi tức thấp tại Hoa Kỳ.



Đối tượng là tất cả phụ nữ Việt Nam hội đủ các điều kiện dưới đây:

• Có thu nhập thấp hoặc không có thu nhập
• Không có bảo hiểm sức khỏe
• Có Medicaid hoặc Medicare

* Trong chiều hướng đó, HAPI xin giới thiệu bài viết về Phòng ngừa Ung thư cổ tử cung của Lại Thái Bình cộng tác viên của chương trình HAPI.

Vài nét đại cương về phòng ngừa ung thư

Trước đây ung thư bị coi là một bệnh nan y, không thuốc chữa. Theo thời gian với sự tiến hóa của khoa học người ta dần dần định ra bệnh ung thư bằng nhiều phương cách ngày một chính xác; rồi người ta còn tìm ra nguyên nhân gây ra một số bệnh ung thư thường gặp, như bị nhiễm trùng trong bao tử bởi vi trùng Helicobacter Pylori có thể gây ung thư bao tử, bị viêm gan siêu vi B và C có thể sau này bị ung thư gan, hút thuốc nhiều gây ra ung thư phổi, nhiễm chất asbestos sẽ bị ung thư màng phổi, nhiễm siêu vi Human Papillomavrius (HPV) gây ra ung thư cổ tử cung v.v.

Từ nhiều thập niên qua người ta còn truy tầm ra bệnh ung thư cổ tử cung bằng phương pháp Papanicolaou làm phết cổ tử cung, gọi tắt là phết cổ tử cung hay thử nghiệm Pap (Pap’s smear; Pap test).

Các phương cách điều trị cũng tiến bộ giúp cho người bệnh tránh phải mổ lớn như xưa khi phát hiện sớm, cũng như cách điều trị phối hợp giúp cho sự tái phát bệnh giảm thiểu tối đa, kéo dài tuổi thọ cho bệnh nhân.

Người ta còn nghĩ đến tìm ra thuốc chủng ngừa để ngăn ngừa một số bệnh ung thư, như trong trường hợp ung thư cổ tử cung. Hay truy tìm các khiếm khuyết trong bộ gen di truyền của cơ thể con người, nhằm sửa chữa lại cho khỏi bị mắc một số bệnh ung thư nữa.

Nói chung, rất nhiều bệnh ung thư có thể phòng ngừa và phát hiện sớm để chạy chữa kịp thời đưa đến lành bệnh. Với quan niệm "Phòng bệnh hơn chữa bệnh" chính phủ Hoa Kỳ đã phát động những chương trình vận động y tế, nhằm giới thiệu những kiến thức phổ thông về ung thư đến dân chúng, qua các phương tiện thông tin như báo chí, truyền thanh truyền hình, internet...

Một khi kiến thức căn bản về y học được nâng cao từng bước trong dân chúng, kết hợp với những chương trình phòng ngừa bệnh tật, sẽ giúp cho chính người dân thường tự săn sóc sức khoẻ của mình, trở thành bác sĩ hay y tá của chính mình, phối hợp nhịp nhàng với sự hỗ trợ của nhân viên y tế, thì bệnh tật không còn là mối ưu tư hàng đầu của con người.

Vô bệnh vô ưu, lúc đó mọi người đều bơi lội trong thiên đàng hạ giới, bởi "ăn được ngủ được là tiên"! Đó cũng chính là mục tiêu của chương trình HAPI của UBCNVB hôm nay.

Vì sao cần chú ý phòng ngừa Ung Thư Vú và Cổ Tử Cung?

Các cụ ta ngày xưa đã có câu: nam tu nữ nhũ. Đàn ông không râu bị thiên hạ coi như là... đồ bỏ, không đáng mặt nam nhi chi chí!

Phụ nữ mà không có ngực hay nói đúng hơn tuyến vú không phát triển bình thường khi đến tuổi dậy thì cũng là một điều đau khổ cho đương sự! Cánh đàn ông sẵn có dịp tốt mai mỉa, cô đó bà ấy "trước sau như một"!

Vâng, chính bộ ngực là biểu tượng cụ thể, rõ ràng nhất để biểu hiện nữ tính của phụ nữ; đó cũng là niềm hãnh diện của phái đẹp. Ngày xưa các cụ ta còn nuôi con hoàn toàn bằng sữa mẹ, cho nên khi có bầu và sanh con cặp vú phải phát triển trọn vẹn, để bảo đảm sẽ sản sinh ra đầy đủ sữa nuôi con thơ. Chỉ có những người thật giầu có hay dân thành thị mới có tiền nuôi vú em, cho con mình bú thêm sữa người vú khi mình thiếu sữa. Thông thường bà mẹ nào cũng hãnh diện khi nuôi toàn bộ lũ con mình bằng chính bầu sữa của mình. Cho dù theo thời gian khuynh hướng nuôi con bằng sữa bột thắng thế, nhưng bộ ngực vẫn còn giữ vai trò then chốt ở người phụ nữ.

Chính thế, theo thiển ý người viết bài, có hai nơi là, "bồng lai đảo" bên trên với "chốn thiên thai" bên dưới cần phải được các bà các cô lưu tâm bảo vệ kỹ càng dưới lăng kính y khoa phòng ngừa. Nếu không, hậu quả sẽ khôn lường!

Nhân dịp tháng Một là tháng phòng chống ung thư cổ tử cung trên toàn quốc. Chúng tôi cũng xin gởi đến quý vị bài viết về ung thư cổ tử cung.

I/ Đại cương:

Hai vấn đề cần được bàn đến ở đây là, ung thư cổ tử cung và những gì liên quan đến bệnh này ở người Việt Nam; thứ hai là những gì cần phải biết và nên làm trong cộng đồng người Việt di dân ở Mỹ để phòng chống bệnh ung thư này.

Theo thống kê, tại Việt Nam ung thư cổ tử cung đứng hàng đầu các loại ung thư ở phụ nữ, kế đến là ung thư vú, nối tiếp là các loại ung thư phổi, gan, bao tử, ruột già ....

Có sự khác biệt nào giữa người Việt trong nước với phụ nữ Việt di dân đến Mỹ hay các thế hệ thứ hai thứ ba sinh đẻ ở Mỹ, theo tôi chưa có ghi nhận nào về mặt ung thư cổ tử cung. Nhưng các khảo cứu cho thấy, ung thư vú ở phụ nữ Việt tại Mỹ sớm hơn các người Mỹ "chính gốc" 10 năm; cũng như ung thư cổ tử cung ở người di dân Việt thường thấy hơn ở người Mỹ "chính gốc".

Các nhà dịch học (epidemilogist) trong thế kỷ 20 khám phá ra một số điều lý thú, chẳng hạn như:

- Ung thư cổ tử cung thường gặp ở những người sinh hoạt tình dục thường xuyên, như những người hành nghề gái điếm;

- Ngược lại tại các nữ tu, dĩ nhiên là trước khi đi tu không hay ít có sinh hoạt tình dục, thì lại ít bị ung thư cổ tử cung;

- Có sự liên quan giữa nhiễm trùng cổ tử cung với tần xuất (incidence; độ xảy đến) ung thư cổ tử cung.

Từ đó tôi có ý nghĩ, ung thư cổ tử cung ở phụ nữ Việt nhiều hơn người Mỹ có thể liên hệ đến việc sinh đẻ nhiều (ngược lại với ung thư (thân) tử cung xảy ra nhiều ở những người không hay ít sinh đẻ) và nhiễm trùng cổ tử cung chăng?

Rất may là trong các loại ung thư có thể truy tầm thật sớm là ung thư cổ tử cung. Phương pháp nhuộm màu Papinicolaou cổ tử cung đế làm sinh thiết (biopsy) những chỗ nghi ngờ.

Riêng phương pháp làm phết cổ tử cung tỏ ra rất ư là hữu hiệu trong công việc truy tầm ung thư từ nhiều thập niên qua với độ nhậy cảm và độ chính xác rất cao.

Chẳng những thế phết cổ tử cung lại dễ thực hiện và cách đọc (interpretation) kết quả cũng không khó khăn, đòi hỏi nhiều dụng cụ chuyên biệt hay phải huấn luyện nhân viên cao tay nghề.

Tại các nước công nghiệp phương Tây, chính nhờ chương trình làm phết cổ tử cung được áp dụng rộng rãi trong quần chúng, nên đã làm giảm thiểu số trường hợp ung thư ở giai đoạn lan rộng đến hơn 50%.

Điều khó khăn duy nhất là nâng cao ý thức phòng ngừa ung thư, nhất là những loại ung thư thường gặp trong quần chúng, như ung thư vú, phổi, gan, bao tử, ruột già, cổ tử cung....

II/ Thế nào là ung thư cổ tử cung?

Cổ tử cung là phần hẹp hình chóp nón, ở bên dưới cùng của tử cung, nơi nối tử cung với âm đạo. Cổ tử cung gồm hai phần:

- Phần ngoài (ectocervix) dài chừng 3 cm và rộng chừng 2,5 cm. Khi ta dùng ngón trỏ rờ vào chóp mũi của mình sẽ hình dung ngay ra hình dáng và độ láng của cổ tử cung bình thường (theo đúng lời giảng của cố giáo sư Trần Anh tại đại giảng đường trường Y năm 1968). Ở giửa phần ngoài là lỗ thông (cervical orifice) dẫn thông âm đạo với lòng tử cung.

- Phần trong (endocervix) là một hình ống nối phần ngoài với lòng tử cung (uterine cavity), dài chừng 0,7 - 0,8 cm.

Tương quan về cơ thể học cơ quan sinh dục phái nữ

Về mô học thì biểu bì (epithelium) của phần ngoài thuộc loại biểu bì tầng không bị kêtin hóa (nonkeratinized stratified squamous epithelium), nổi tiếp với biểu bì tầng của thành âm đạo (vaginal wall);

Phần trong là biểu bì tuyến, nối tiếp với biểu bì của mặt trong tử cung.

Ung thư cổ tử cung thuộc nhiều loại, nhưng 80-85 % là ung thư loại biểu bì tầng (squamous cell carcinoma) ở phần ngoài. Chính vì thế giúp cho sự truy tầm ung thư cổ tử cung dễ dàng rất nhiều.

Các yếu tố làm gia tăng mắc bệnh ung thư cổ tử cung:

Hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society) liệt kê danh sách như sau:

1/ nhiễm siêu vi u nhú ở người (Human Papillomavirus; HPV);
2/ hút thuốc lá;
3/ nhiễm siêu vi bệnh liệt kháng (HIV infection);
4/ nhiễm trùng Chlamydia;
5/ ăn uống;
6/ dùng thuốc ngừa thai;
7/ dùng thuốc có kích thích tố diethylstilbestrol (DES);
8/ mang thai nhiều lần;
9/ gia đình có người bị ung thư cổ tử cung;
10/ phụ nữ trên 40 tuổi.

Cũng như các loại ung thư khác, ung thư cổ tử cung lúc đầu ở tại chỗ (in situ) là phần biểu bì, sau đó lan rộng ra các mô xung quanh ngay bên dưới.

Nếu không khám phá kịp thời bằng các phương pháp truy tầm ung thư, như phết cổ tử cung chẳng hạn, các tế bào ung thư sẽ ăn lan vào các mạch bạch huyết (lymphatic vessels) ở các mô đó và từ đó chạy đến (chuyến di; di căn; metatastasis) các hạch bạch huyết (lymphatic nodes) ở trong vùng. Thuật ngữ chuyên môn gọi là di căn vùng (regional metastasis).

Nếu để trễ hơn nữa, tế bào ung thư sẽ ăn lan rộng ra các hạch ở xa hơn vùng xương chậu.

Cũng có khi ung thư ăn lan ra các cơ quan quanh cổ tử cung như tử cung, âm đạo, bàng quang, ống thoát tiểu, ống dẫn tiểu...

Tế bào ung thư còn ăn lan vào mạch máu (blood vessels) và đi thẳng đến các cơ quan nội tạng (viscera) như phổi, gan, óc và cả bộ xương nữa. Lúc đó ta gọi là di căn xa (distal metastasis).

Tùy theo giai đoạn mà ung thư cho các triệu chứng, các dấu chứng cũng như các biến chứng khác nhau trong quá trình tiến triển.

III/ Phát hiện ung thư cổ tử cung:

1/ Triệu chứng và hiệu chứng:

Triệu chứng là những gì bệnh nhân cảm nhận được và khai ra với bác sĩ; còn dấu chứng là những gì bác sĩ khám thấy. Như thế triệu chứng có tính chủ quan, nhưng dấu chứng khách quan ai cũng có thể thấy được.

Trong giai đoạn rất sớm có thể ung thư cổ tử cung hoàn toàn không gây ra một triệu chứng nào hết (asymptomatic) và bác sĩ khám cũng không thấy gì cả, nếu như không nghĩ đến việc thực hiện các xét nghiệm truy tầm ung thư.

Ung thư cổ tử cung có thế gây ra những triệu chứng sau:

Chảy máu từ cửa mình (vaginal bleeding) tự nhiên hay khi giao hợp, khi rửa ráy cửa mình hay khi khám phụ khoa, đều là một dấu chứng rất bất thường, nhất là khi ở một phụ nữ từ 40 tuổi trở lên.

Chảy máu sau khi mãn kinh; hay kinh kỳ kéo dài và nhiều hơn thường lệ.

Có khi thấy đau khi giao hợp và ra huyết trắng nơi cửa mình cũng là dấu chứng của ung thư cổ tử cung. Huyết trắng có khi vương một chút máu tươi.

Thấy được khối u trong âm đạo là đã trễ. Đa số đó là bướu (u) ác tính hay còn gọi là bướu ung thư.

Khi bệnh đã tiến triển nhiều, bệnh nhân sẽ than phiền có những triệu chứng do ung thư lan rộng và gây ra các biến chứng như đã đề cập ở trên. Chẳng hạn như ăn không ngon, sụt cân nhiều, mệt mỏi (tế bào ung thư sinh sản mau nên tiêu dùng hết năng lương trong người của bệnh nhân), đau vùng xương chậu, đau eo lưng, đau chân, sưng một bên chân, chảy máu dầm dề từ cửa mình, có phân và nước tiểu chảy ra từ cửa mình và gẫy xương tự nhiên hay sau một chấn thương nhẹ (do tế bào ung thư đã ăn lan vào các cơ quan lân cận hay ở xa hoặc xương làm xương yếu đi).

2/ Truy tầm:

Cần phải khám phá ra ung thư ngay từ giai đoạn rất sớm để tìm cách điều trị kịp thời với hy vọng chữa trị sẽ dứt hẳn bệnh, hay ít ra bệnh nhân không bị nhiều biến chứng do sự xâm nhập của tế bào ung thư đi khắp nơi, cũng như kéo dài tuổi thọ.

Thông thường mọi phụ nữ trong tuổi còn sinh đẻ được khuyến cáo nên đi làm phết cổ tử cung hàng năm. Tuy nhiên mỗi quốc gia có những qui luật riêng.

Hội Ung thư Hoa Kỳ (The American Cancer Society) khuyên, nên bắt đầu làm phết tử cung khoảng ba năm sau lần giao hợp đầu tiên, nhưng cũng đừng để trễ quá đến tuối 21 tuổi mới chịu đi làm phết cổ tử cung. Nếu phát hiện ngay từ giai đoạn tiền ung thư hay ung thư ở giai đoạn rất sớm thì phương cách điều trị sẽ giản đơn nhiều và không hề ảnh hưởng đến sự sinh sản của người phụ nữ.

2.1/ Thử nghiệm Papanicolaou (Papanicolaou test) để làm phết cổ tử cung là phương pháp hữu hiện nhất hiện nay để truy tầm ung thư cổ tử cung. Đây là phương pháp do ông Georgios Papanikolaou (1883-1962) tìm ra, với mục đích chính là tìm kiếm những tiến trình tiền ung thư hay ung thư (premalignant and malignant processes) ở phần ngoài của cổ tử cung (ectocervix). Cho đến nay test này không thay đổi bao nhiêu so với nguyên thủy.

Test có độ nhậy cảm cao, 72%, và độ chuyên biệt tới 94%. Đó là một test lý tưởng nhất trong truy tầm ung thư cổ tử cung.

Test này còn cho phép phát hiện các trường hợp nhiễm trùng (nấm hay Trichomonas Vaginalis), hay bất thường ở phần trong cổ tử cung (endocervix) và lớp màng nhày tử cung (endometrium).

Khoảng 5-7 % phết cổ tử cung cho kết quả bất thường, như có sang thương tiền ung thư (premalignant lesion; dysplasia) ở cổ tử cung. Trong trường hợp này tùy theo mức độ và tính chất của sự bất thường mà người ta sẽ theo dõi thử lại test thêm một thời gian nữa, hay có thể phải coi kỹ hơn nữa bằng các phương pháp chuyên biệt sẽ được đề cập ở phần định bệnh.

Cũng có thể người ta cho thử thêm HPV Test, coi như một phương pháp phụ trợ cho phết cổ tử cung

2.2/ HPV test là một phương pháp mới hơn Pap smear để truy tầm ung thư cổ tử cung, nhưng không đồng nghĩa là tốt hơn Pap smear, với mục đích truy tầm nhiễm trùng do siêu vi gây u nhú ở người (Human papillomavirus; HPV) khu trú tại cổ tử cung.

Test này nhậy cảm hơn phết tử cung, nghĩa là ít cho kết quả âm sai, nói khác đi là khi bị nhiễm HPV thì ít khi bỏ sót hơn, do không phát hiện ra; nhưng lại ít chuyên biệt hơn, nghĩa là hay cho kết quả dương tính sai, không có bệnh lại bảo là có bệnh.

Gần như 100% các trường hợp ung thư cổ tử cung lan rộng (invasive cervical cancers) đều có chứa virus gây u nhú ở người (HPV), cho nên một số nhà khảo cứu khuyên nên kết hợp pap smear với HPV test.

Tuy nhiên có người chống lại, vì cho rằng tỉ lệ người bị nhiễm HPV cao, khoảng 80% phụ nữ trong giai đoạn sinh nở, nên e rằng sẽ gây ra những mối lo không cần thiết nếu như áp dụng thật máy móc test này vào việc truy tầm ung thư cổ tử cung cùng với Pap smear.

3/ Chẩn bệnh:

Khi một phụ nữ có những triệu chứng kể trên hay khi đi khám kiểm tra thường kỳ thấy phết tử cung bất thướng với dấu chứng có tế bào tiền ung thư hay ung thư (precancerous or cancer cells of the cervix), vị bác sĩ dĩ nhiên phải tìm cách truy tầm tiếp xem có phải đúng là ung thư thật sự hay chăng?

Giai đoạn kế tiếp bao gồm:

- Thực hiện nội soi cổ tử cung (colposcopy) . Nghĩa là dùng dụng cụ đặc biệt để quan sát kỹ càng cổ tử cung.

- Thử thịt (biopsy) ở những chỗ nào nghi ngờ trên cổ tử cung. Bác sĩ sẽ đánh thuốc tê tại chỗ rồi dùng dụng cụ nhấp một chút mô ở cổ tử cung, rồi gửi đi phòng thí nghiệm xem xét cấu trúc tế bào và mô học dưới kính hiển vi.

- Đồng thời bác sĩ có thể dùng dụng cụ để nạo lòng tử cung (endometrial curettage) để lấy phẩm vật (specimen) đem đi thử.

- Tùy trường hợp bác sĩ làm conization, tức cắt một mảnh lớn mô cổ tử cung hình chóp nón sau khi đã gây mê toàn diện (general anesthesia) cho bệnh nhân.

Sau khi làm thử nghiệm trên bệnh nhân có thể bị đau bụng dưới như khi có kinh, cũng có khi bị chảy máu từ cửa mình do thử thịt, nhưng bác sĩ sẽ cho thuốc để giảm bớt các triệu chứng trên và các chứng trên cũng sẽ mau chóng biến đi sau vài ngày.

IV/ Lời cuối:

Tại Mỹ, nếu bác sĩ không định ra bệnh ung thư trên phết cổ tử cung sẽ bị kết tội giết người do bất cẩn (negligent homicide) trong khi hành nghề. Đây là một trọng tội, đương sự khi ra hội đồng kỷ luật Y Khoa và đi hầu tòa chắc chắn là nhận lãnh một số phận rất bi thảm. "Sinh nghề tử nghiệp" là thế.

Hành nghề có lương tâm chưa đủ, lại thêm có tay nghề cao. Do thế bác sĩ ở Mỹ và các nước tiên tiến trên thế giới bó buộc phải tự ghi danh đi học bổ túc các khóa học hàng năm về chuyên môn để lấy đủ số credit theo luật định, nhằm nâng cao tay nghề và trau dồi kiến thức của mình.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Wednesday, December 12 @ 15:12:41 EST by ngochuynh
 
Related Links
· Buôn Người
· More about Bạo Hành Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Bạo Hành Gia Đình:
Thẻ Xanh Có Điều Kiện

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Bạo Hành Gia ĐìnhSức Khoẻ


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang