Mạch Sống Online
· Truyền Thông Mạch Sống
· Trang Nhà BPSOS
· Chống Nạn Buôn Người


Chuyên Mục

:: HÃY CỨU CỒN DẦU
:: ĐÒI TÀI SẢN
:: NGÀY VẬN ĐỘNG CHO VN

40 Năm Tị Nạn
An Toàn Lao Động
Bạo Hành Gia Đình
Chống Nạn Buôn Người
Chủ Quyền Quốc Gia
Cứu Trợ Thiên Tai
Di Dân & Nhập Tịch
Định Cư Nhân Đạo
Lịch Sử Qua Lời Kể
Mái Ấm Gia Đình
Nhân Quyền
Nhân Vật Trong Tháng
Phát Triển Cộng Đồng
Quan Điểm
Sống Đẹp
Sức Khoẻ
Tài Chánh
Tị Nạn
Thế Hệ Trẻ
Thư Toà Soạn
Tin Cập Nhật
Tin Sinh Hoạt
Tin Trang Nhất
Tin Tức Thời Sự
Truyện Ngắn
TPP
Tuổi Hạc
Tù Nhân Lương Tâm
Tự Do Tôn Giáo
Văn Khố Thuyền Nhân
Xoá Bỏ Tra Tấn

Chức Năng Thông Dụng
· Đọc Theo Chủ Đề
· Đọc Theo Số Báo
· Ghi Danh vào Email List
· Quảng Bá Mạch Sống
· Top 15
· Ý Kiến Độc Giả
· Liên lạc tòa soạn
· Gửi bài cho Mạch Sống
· Phiếu Đóng Góp
· Census 2010
· Tìm kiếm

Ghi Danh Nhận Tin
Ghi Danh Nhận Bản Tin Mạch Sống
Tìm Kiếm


Hit Counter
We received
27812698
page views since June 01, 2005
MS65 - 12/07: Những Ngày Bên Nhau

Mái Ấm Gia Đình

Thanh Thuỷ-Camden, NJ

Mới đi dự Ðại Hội Cao Niên Toàn Quốc (ÐHCNTQ) hôm cuối tháng 5 vừa qua, một lần nữa, tôi lại khăn gói lên đường đi Virginia. Nhưng lần này không phải đi đại hội mà đi dự lớp “học tập” và “cải tạo” (training/retreat) cho nhân viên làm việc trong Ban Dịch Vụ Gia Ðình của BPSOS vào tháng 9 (FSD-Family Services Department). Và một lần nữa, tôi được dịp gặp lại Amy Trang, cô Giám Ðốc mới của Ban này, nhưng không mới đối với tôi vì tôi đã được biết đến cô và ngưỡng mộ tài nghệ cô vào dịp ÐHCNTQ. Lần này cô tổ chức chương trình huấn luyện đặc biệt về cứu thương và nâng cao tinh thần đồng đội.



Ngày đầu tiên, 14 nhân viên trong nhóm được huấn luyện về phương cách cấp cứu do hội Hồng Thập Tự Hoa Kỳ hướng dẫn. Chúng tôi được chia ra từng cặp hai người để tiện việc thực tập. Sau phần Sơ Cứu (First Aid) là phần Cấp Cứu (CPR). Chúng tôi thực tập nhiều lần cách tiếp 2 hơi thở vào người nộm (mannequin) và ép hơi 30 lần vào lồng ngực của mannequin làm cho chúng tôi hết hơi và mỏi cả tay. Cẩm Tú đã làm cho chúng tôi quên mệt mỏi, phá ra cười với bộ điệu rã rời, đuối sức của cô như người sắp chết thật. Tôi đùa với Cẩm Tú rằng nhìn cách cô cấp cứu, nạn nhân chưa sống lại thì đã phải gọi 911 đem người khác đến để cấp cứu cho Cẩm Tú. Những kinh nghiệm quí giá và lợi ích mà chúng tôi đã thu thập được là cách nhận định và phân biệt 4 loại cấp cứu căn bản như nhồi máu cơ tim, bệnh tiểu đường, tai biến mạch máu não và tình trạng bị kiệt sức vì nóng hay lạnh quá. Kết quả thật tốt đẹp với 14 khoá sinh đều đậu hai chứng chỉ Sơ Cứu và Cấp Cứu. 4 giờ chiều chúng tôi tiếp tục với lớp “Dự Phóng Ngân Sách” (Budget Projection) do chính Giám Ðốc Ðiều Hành, Ts. Nguyễn Ðình Thắng, giảng thuyết. Ðể bù lại những giờ học hỏi mệt xác và mệt trí, cô Amy Trang đã thết đãi chúng tôi một bữa ăn tối thật thịnh soạn và được phục vụ như thượng khách ngay tại khách sạn Marriott-Fairfax.

Sáng hôm sau trên đường đi đến Hemlock Overlook, những người ngồi băng sau trên chiếc xe van với cô Kim Dung và Thu Hà đã được thêm một bữa ăn sáng no nê bằng những trận cười đến đau bụng của những câu chuyện xảy ra ở văn phòng Maryland. Khi xuống xe, Sư Cô Thanh Liễu ưu ái tặng một chục nón lá bài thơ cho gần 30 nhân viên tham dự mà theo tỉ lệ thống kê, tôi thấy rõ rệt là “âm thịnh dương suy” vì chỉ có vỏn vẹn 4 đấng mày râu. Tiếc thay ông Mặt Trời hôm ấy có lẽ bị dị ứng vì trời đang chuyển sắc sang Thu, cho nên chẳng thèm ló mặt ra làm cho bầu trời tuy nhạt nắng nhưng oi ả làm sao! Nhờ vậy chúng tôi có dịp phe phẩy những chiếc nón bài thơ mang quai màu nâu sòng làm quạt.

Trước khi vào cuộc thử thách toàn diện (Total Team Challenge), hai nhân viên từ trung tâm giáo dục kinh nghiệm Hemlock Overlook đã hướng dẫn chúng tôi nhận định xem cá tình từng người thuộc loại hướng ngoại hoặc loại sống nặng về nội tâm. Ðối với tôi, đây là một bài học đầy thú vị vì cách thức này giúp mình nhận diện được những người cùng cá tính và thông cảm với những người khác cá tính. Nhân viên của trung tâm đã cẩn thận chọn lựa các đội dựa trên kết quả khảo cứu được thực hiện trên internet trước khi tham dự buổi huấn luyện này. Nhờ đó chúng tôi chia làm hai đội ngũ với đồng đều sắc thái. Chú Nguyễn Quốc Khải đề nghị và đội chúng tôi đồng ý với tên gọi thật hùng là đội Sư Tử. Nhắc đến Sư Tử thì không khỏi ai không nghĩ đến Sư Tử Hà Ðông.

Nhưng chúng tôi thêm rằng đội Sư Tử BPSOS còn đáng sợ hơn vì những nanh vuốt của chúng tôi được trang bị bằng kiến thức qua nhiều năm kinh nghiệm của từng đội viên cộng lại, trong số đó có cô Amy Trang, bác Phan Thành, chú Khải, cô Thuỵ Ðông, Sư Cô Thanh Liễu (Virginia), cô Mai Hương (Alabama), Hồ Duy (Louisville), cô Pauline (Philadelphia), cô Quỳnh Lan (Philadelphia), Cô Phạm Trinh (Atlanta), và anh Phan Danh (Orange County, CA). Chỉ tiếc là thiếu thầy Quyên Di, người mà tôi rất mong muốn được gặp. Về phía đối phương, đội này cũng mang tên hùng hồn không kém là Sói Sơn Lâm. Tôi thấy thấp thoáng bóng dáng anh Phạm Hoạt, anh Dominick Nguyễn (Philadelphia), chú Lê Minh (Alabama), Monica Le (New Orleans), Cô Kim Dung và Thu Hà ( Maryland), chị Nguyễn Hải (Houston), Ðặng Thanh (St. Louis), Dương Hà (Atlanta), và Cẩm Tú (Virginia).

Ðặt tên đội xong chúng tôi bắt đầu thi đua trổ tài xem tinh thần đồng đội của mình cao đến đâu. Khi bắt tay vào việc chúng tôi mới thật sự thấy rằng muốn hợp tác với nhau cần nỗ lực và tương giao nhiều hơn chúng tôi dự đoán và hiểu biết. Tôi nhớ rõ đội trưởng Hồ Duy của đội Sư Tử đã nhiều lần cố gắng điều khiển chiếc thang định mệnh để đưa chúng tôi vượt qua vùng “sình lầy sinh tử”, thế nhưng sau bao nhiêu lần “Hee” bấy nhiêu lần “Hoh” chúng tôi chẳng hề tiến lên được bước nào. Sau cùng hướng dẫn viên của trung tâm Hemlock đã khéo léo và kiên nhẫn dẫn dắt đội chúng tôi di động chiếc thang bắc cầu vượt khỏi vùng hiểm nguy. Cả hai đội đều làm những thử thách tương đương.

Sau giờ ăn trưa, chúng tôi được đưa đến trạm thử thách toàn diện cao độ. Ðể vượt qua thử thách này, chúng tôi phải “đồng thanh tương ứng” và “đồng khí tương cầu”. Có nghĩa là nếu không hợp lực, đồng tâm, nhất trí để giúp nhau từ nhiều khía cạnh, vị trí và địa thế, chúng tôi sẽ không thể nào vượt qua được. Trong 4 người tiền phong có cô Amy Trang, chú Minh và cô Monica. Và đặc biệt nhất là cô Annie Saekang. Annie, vừa mới ra trường một năm, cao chưa tới 5 feet, người nhẹ như tơ, cô đã xung phong đương đầu với thử thách này. 4 người trong nhóm kế tiếp gồm có cô Phạm Trinh, anh Hà Dương, anh Hồ Duy và tôi. Rất quan trọng là sự phối hợp và điều động của 2 hướng dẫn viên của trung tâm cũng như sự hỗ trợ và hợp tác của tất cả đội viên và nhất là sự hy sinh của chú Lê Minh ở cuối đoạn đường. Chú đã đứng trên cao đón từng người một để tất cả 8 người trong nhóm khắc phục được công tác Thử Thách Toàn Diện trên tiến trình thiết lập tinh thần đồng đội.

Mô hình trạm Thử Thách Toàn Diện

Ðể tưởng thưởng nỗ lực của mọi người, chiều hôm đó chúng tôi được thết đãi bữa ăn tối tại nhà hàng buffet Nhật nổi tiếng “Todai” mà chúng tôi đùa rằng “ ăn cho chết luôn”. Tôi lân la dọ hỏi mới biết ý nghĩa của chữ Todai là ngọn hải đăng, chứ không phải chuyển âm từ “to die” như chúng tôi nói đùa với nhau.

Ngày cuối của buổi training nói về cách thức ước lượng và thẩm định kết quả chương trình (program evaluation) do giáo sư Anderson của đại học George Mason trình bày. Tiếp sau đó là nghệ thuật phục vụ khách hàng ngoại bộ và nội bộ của cô Lisa Armstrong, “top producer” của hãng mỹ phẩm Mary Kay. Theo cô bí quyết thành công là cách làm cho khách hàng biết được sự quan tâm của cô. Sau giờ ăn trưa là phần giới thiệu các chương trình trong FSD. Khi giới thiệu đến chương trình chống bạo hành trong gia đình, tôi phải khâm phục tài sáng tạo của những diễn viên cùng đạo diễn bất đắc dĩ. Chỉ trong vòng 15 phút ngắn ngủi, 4 màn kịch ngắn đã sẵn sàng để trình diễn. Ðiều đáng lưu ý là trong 4 màn kịch, có đến 3 màn mà nạn nhân của bạo hành trong gia đình là phái nam. Ðiều này làm tôi chợt nhớ đến câu thơ vui mà tôi đã đọc được trong bài thơ chữ BẤT: “Bị vợ hành hạ mà vẫn can đảm chịu đựng gọi là Bất Khuất”.

“Ngày buồn tênh cũng đưa chiều vào tối”. Ðêm cuối cùng còn lại bên nhau, mấy chị em chúng tôi xúm xít chung một phòng tỉ tê “trút bầu tâm sự” và cùng “gỡ rối tơ lòng” cho nhau. Sáng sớm hôm sau, khi tiễn chân người chị đồng nghiệp ra phi trường, tôi vói theo nhắc chị quên cây lược nhưng chị bảo tôi cứ giữ nó. Khi tôi gọi phone hỏi thăm chị đến nơi có kịp giờ không, bấy giờ chị mới giải thích “Cây lược để lại cho em; Giúp em gỡ bớt rối ren tơ lòng”.

Hồi tưởng lại kỷ niệm vui buồn bên nhau trong những ngày qua, tôi cảm thấy mình rất may mắn được tham dự buổi huấn luyện này. Tôi mong ước các đồng nghiệp khác cũng được tham dự như thế để hiểu rõ thêm ý nghĩa và giá trị của tinh thần đồng đội; để thể hiện, cảm thông và hỗ trợ nhau. Sự thành công của BPSOS dựa trên sự thành công của các thành viên mà tinh thần đồng đội là điều then chốt.

[Nguyệt San Mạch Sống thuộc hệ thống truyền thông của Uỷ Ban Cứu Người Vượt Biển: http://www.machsong.org.]

Posted on Monday, November 12 @ 15:35:02 EST by ngochuynh
 
Related Links
· More about Mái Ấm Gia Đình
· News by ngochuynh


Most read story about Mái Ấm Gia Đình:
Cha Mẹ Tìm Hiểu Tâm Lý Con Gái Trong Nhà

Article Rating
Average Score: 0
Votes: 0

Please take a second and vote for this article:

Excellent
Very Good
Good
Regular
Bad

Options

 Printer Friendly Printer Friendly


Associated Topics

Mái Ấm Gia Đình


 
Copyright 2005 by MachSong, Inc.
PHP-Nuke 2004 by Francisco Burzi
Mach Song Online.
Publisher: Nguyen Dinh Thang